Từ đầu năm 2023 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội đã tham gia, tổ chức nhiều đợt giám sát, tập trung vào các nội dung lớn của thành phố và vấn đề dân sinh bức xúc. Trong đó, có dự án trọng điểm quốc gia vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đoạn nằm trên địa phận Hà Nội dài 58,2 km, đi qua bảy quận, huyện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tổ chức hội nghị chuyên đề "Phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận các cấp tích cực tham gia có hiệu quả việc thực hiện dự án".
Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp chính quyền cơ sở tổ chức họp dân, kịp thời nắm bắt dư luận nhân dân; tâm tư, nguyện vọng của người dân có đất bị thu hồi. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân và tổ chức đối thoại với nhân dân để người dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của dự án trọng điểm.
Mặt khác, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã khảo sát việc thực hiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng triển khai dự án tại xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn); tham gia đoàn khảo sát, giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố về tình hình, tiến độ triển khai. Nhờ đó, ngày 25/6, dự án đường vành đai 4 đã khởi công đúng tiến độ, thành phố đã giải phóng hơn 84% mặt bằng trước ngày khởi công, vượt kế hoạch đề ra.
Sáu tháng đầu năm 2023, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội đã tổ chức 296 hội nghị phản biện xã hội, góp ý đối với các kế hoạch, nghị quyết của Đảng và chính quyền có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân. Ban Thường trực cấp huyện, cấp xã tổ chức 1.056 cuộc giám sát, thành lập 501 đoàn giám sát trực tiếp, phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tham gia giám sát 1.313 cuộc, tập trung vào việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, các Ban Thanh tra nhân dân đã phối hợp với chính quyền giám sát trên các lĩnh vực như quản lý trật tự xây dựng với 1.745 vụ, quản lý đất đai 528 vụ, thực hiện dân chủ ở cơ sở 950 vụ và 381 vụ việc ở các lĩnh vực khác.
Kết quả, qua giám sát, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát hiện, kiến nghị 296 vụ việc, được cơ quan có thẩm quyền giải quyết 278 vụ việc (đạt tỷ lệ 93,9%). Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 2.038 công trình, dự án, qua đó kịp thời kiến nghị 89 vụ việc, được cơ quan có thẩm quyền giải quyết 80 vụ việc (đạt tỷ lệ 89,8%).
Tích cực tham gia công tác phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội đã tổ chức 247 hội nghị phản biện xã hội. Trong đó Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức bốn hội nghị về các nội dung được đông đảo người dân quan tâm, như quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ để công dân được đăng ký thường trú ở Hà Nội; phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được duy trì và hoạt động hiệu quả, giúp giải quyết mâu thuẫn liên quan về lĩnh vực đất đai, xích mích giữa các thành viên trong gia đình, giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng, tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh trong quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, qua đó góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp tham gia xây dựng chính quyền, tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 vừa được tổ chức, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục tăng cường giám sát trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị; giao thông; ô nhiễm môi trường; các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội cũng như công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ chung cư… Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai; rà soát quy hoạch, hoàn thành việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội đô. Đặc biệt, cần cương quyết đình chỉ, thu hồi dự án chậm triển khai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học theo quy hoạch...
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội là một trong những điểm sáng của cả nước. Các hoạt động giám sát có sự phối hợp chặt chẽ, có chiều sâu và đạt những kết quả cụ thể. Qua giám sát đã góp phần để các cơ quan chức năng tiếp tục điều chỉnh các giải pháp triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, các hoạt động phản biện xã hội cũng đã đem tiếng nói của người dân để đưa vào chính sách của thành phố bảo đảm thiết thực, sát với thực tế, đáp ứng được mong đợi của người dân.