Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp

Mặc dù là vùng có thế mạnh về công nghiệp, nhưng nông nghiệp vẫn giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển vùng Ðông Nam Bộ. Giai đoạn từ năm 2005 đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn vùng luôn phát triển với tốc độ khá, tăng bình quân 4,63% một năm.
0:00 / 0:00
0:00

Đến nay, vùng có khoảng 130 nghìn héc-ta cây ăn quả các loại, tăng 27 nghìn héc-ta so với năm 2005. Về chăn nuôi, vùng có thế mạnh về chăn nuôi lợn với tổng đàn khoảng bốn triệu con, chiếm 18% số đàn heo cả nước. Vùng Ðông Nam Bộ đang đứng đầu cả nước về sản lượng cao-su, điều, lợn.

Ngoài ra, vùng còn có thế mạnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều mô hình tiên phong về ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tự động hóa, sản xuất thông minh để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và nâng cao sản lượng, cũng như chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Tuy đạt được nhiều điểm nổi bật, song về tổng thể, sự phát triển nông nghiệp toàn vùng Ðông Nam Bộ vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng. Giá trị và sản lượng nông nghiệp gia tăng chủ yếu dựa trên việc sử dụng tăng thêm các yếu tố đầu vào như lao động, đất, phân bón và nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chưa cao, công tác bảo quản, chế biến còn nhiều bất cập, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thô và sơ chế.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, tính hợp tác chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp gây ra ở nhiều vùng nông thôn ngày càng trở nên nghiêm trọng... Những thách thức này ngày càng lớn hơn, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Rào cản được xem lớn nhất đối với sự phát triển bền vững nông nghiệp của vùng Ðông Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung là chất lượng nguồn nhân lực ở lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong bối cảnh cạnh tranh và toàn cầu hóa, nguồn nhân lực là tài sản quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Tài nguyên thiên nhiên, vốn, công nghệ, các nguồn lực khác chỉ có thể phát huy lợi thế tốt nhất khi được kết hợp với nguồn lao động có trình độ cao, được đào tạo bài bản.

Theo thống kê, năm 2022, cả nước có hơn 521 nghìn sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo thì chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông, lâm, thủy sản và thú y, chỉ chiếm tỷ lệ 1,37%. Trong khi đó, khảo sát của Trường đại học Nông lâm và Ðại học Huế, giai đoạn 2018-2023, hằng năm các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.200-3.000 kỹ sư, bác sĩ thú y, nhưng số sinh viên ra trường chỉ có 1.500-2.000 kỹ sư, mới đáp ứng hai phần ba nhu cầu tuyển dụng.

Tương phản với sự giảm sút về số lượng người học là nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn rất lớn. Ðặc biệt, trong 5 năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết đang trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong khoảng 10 năm qua, lao động nông, lâm, thủy sản của vùng Ðông Nam Bộ giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 xuống còn khoảng 778 nghìn người hiện nay, mỗi năm giảm trung bình 46 nghìn người, tốc độ giảm bình quân 3,75% mỗi năm. Ngoài ra, chất lượng lao động ở lĩnh vực nông nghiệp vùng Ðông Nam Bộ nhìn chung còn thấp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chỉ chiếm 7,4%.

Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp ngày càng tăng trong khi nguồn cung lại giảm mạnh là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến sự thiếu hụt đáng kể nguồn nhân lực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay và sẽ trầm trọng hơn trong 5-10 năm tới nếu không có các giải pháp kịp thời và bền vững.

Cho nên, mục tiêu của ngành nông nghiệp đề ra từ nay đến năm 2030, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt hơn 70%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030. Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển sinh bình quân hằng năm 200 nghiên cứu sinh, 2.500 học viên cao học, 20 nghìn sinh viên đại học.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, điều quan trọng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bởi xu thế lựa chọn ngành nghề hiện nay phần lớn là theo sở thích, danh tiếng của ngành học hơn là cơ hội việc làm và thu nhập sau tốt nghiệp. Nông nghiệp được xác định là trụ đỡ nhưng chưa có chính sách lớn cho các đơn vị đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; nghiên cứu và nhân rộng các mô hình thí điểm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp.