Đề phòng dịch sốt xuất huyết bùng phát

Hiện, số ca mắc sốt xuất huyết tại thành phố Hồ Chí Minh tăng rất cao và đã có bệnh nhân tử vong do phát hiện muộn, chậm trễ nhập viện. Đâu đó xuất hiện tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch dễ khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng.

Tính đến giữa tháng 4/2022, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện và đã có hai trường hợp tử vong. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo đây là con số báo động vì so sánh với năm 2019, năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc, thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. Số ca sốt xuất huyết hiện nay cũng cao hơn so với số ca mắc cùng thời điểm các năm 2020, 2021.

Các bệnh viện nhi tại thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết, có bệnh viện tiếp nhận trung bình mỗi ngày hơn 100 ca. Điều đáng nói là có nhiều ca nhập viện khi bệnh đã chuyển nặng, có trường hợp bị tổn thương đa nội tạng như gan, thận và phải thở máy, lọc máu. 

Thông thường hằng năm, cao điểm dịch sốt xuất huyết diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11. Năm nay, mùa mưa đến sớm tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn phát triển, lây truyền bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng. Trong khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nếu người dân không thận trọng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch thì nguy cơ “dịch chồng dịch”-trẻ em vừa mắc Covid-19 vừa bị sốt xuất huyết, rất dễ xảy ra. 

Với những biểu hiện khá giống nhau, đáng ngại nhất là người nhà nhầm tưởng bệnh sốt xuất huyết với Covid-19 nên tập trung tự điều trị Covid-19 tại nhà. Khi bệnh trở nặng mới đưa trẻ vào viện thì việc chữa trị, hồi sức rất phức tạp, tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại di chứng. Do đó, gia đình cần chú ý đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm... Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 với các triệu chứng tay chân lạnh, ho, sổ mũi và tiêu chảy... 

Bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đúng cách thì chỉ sau một tuần sẽ được chữa khỏi, ít có trường hợp tử vong. Nếu được chỉ định điều trị tại nhà thì gia đình phải tuyệt đối tuân theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Gia đình cần lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục từ ba ngày trở lên, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, nôn... thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết, người dân nên chú ý dọn dẹp nơi làm việc, nơi ở sạch sẽ, phát quang bụi rậm để tránh muỗi ẩn nấp. Ngăn ngừa môi trường muỗi đẻ trứng, sinh loăng quăng bằng cách che đậy hay lật úp các xô, chậu, lu, khạp và các vật dụng chứa nước khi không dùng đến. Ngoài ra, người dân có thể sử dụng bình xịt thuốc diệt muỗi, nhang chống muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ngày... để tránh muỗi đốt. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn hoành hành, sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát thành dịch, ngành y tế thành phố nên chú ý tập huấn công tác điều trị cho các tuyến bệnh viện, trong đó chú trọng phân biệt giữa triệu chứng sốt xuất huyết và Covid-19 để tránh nhầm lẫn, gây nguy hiểm cho người bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về công tác phòng, chống sốt xuất huyết để tránh tư tưởng lơ là, chủ quan của người dân.