“Họa duyên tương ngộ” là chủ đề của cuộc triển lãm tranh trưng bày gần 150 tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của danh họa Trần Phúc Duyên kể từ khi ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Ðông Dương khóa 16 (1942-1945), mở xưởng tại Hà Nội (1948-1954), cho đến khi ông di cư sang Pháp (1954-1968), Thụy Sĩ (1968-1993) và mất tại đó.
Xuyên suốt sự nghiệp, Trần Phúc Duyên đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng đây là triển lãm có quy mô phổ quát của cố họa sĩ với hầu hết các tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với đủ loại chất liệu: sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo, và bao gồm cả tư liệu riêng tư, cá nhân của cố họa sĩ và gia đình.
Không gian cuộc triển lãm tại Bảo tàng Quang San (thành phố Thủ Ðức) gồm hai tầng với tổng diện tích khoảng 600 m2, giới thiệu các tác phẩm theo từng cụm chủ đề lớn, đi từ phức hình đến tối giản: Ðời sống, Phong cảnh, Tĩnh vật và Tiểu cảnh, Thủy mặc và Thiền họa, Trừu tượng, và Phúc niệm. Thuộc thế hệ sau cùng của Trường Mỹ thuật Ðông Dương, sống và làm việc tại châu Âu (gồm Lê Phổ, Vũ Cao Ðàm, Mai Thứ, Lê Thị Lựu,…), nhưng chỉ duy nhất Trần Phúc Duyên chọn sử dụng sơn mài như một chất liệu chủ đạo và xuyên suốt cho các sáng tác hội họa của mình.
Ông cũng tự nhận là một “artiste laqueur” (họa sĩ sơn mài) từ đầu những năm 50 của thế kỷ 20, khi còn ở Hà Nội. Ông ghi danh hiệu đó đằng sau các bức tranh sơn mài của mình. Và trên thực tế cũng như về căn bản, ông đã tiếp tục và kết thúc sự nghiệp nghệ thuật của mình ở chính vai trò đó.
Khi di cư sang châu Âu, bất chấp khoảng cách địa lý, thiếu thốn về tài nguyên, họa sĩ Trần Phúc Duyên dành trọn đời mình cho công cuộc nghiên cứu, thử nghiệm và sáng tạo với chất liệu sơn mài và ông thành công trong việc đưa sơn mài đi từ mỹ nghệ tới mỹ thuật. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận định: “Trần Phúc Duyên sử dụng sơn điêu luyện, thanh thản như một họa sĩ, nhà thư pháp Trung Hoa sử dụng mực”.
Có thể nói, khi đưa thủy mặc vào trong sơn mài, hội họa Trần Phúc Duyên dường như đã đi thêm một bước đáng kể từ phần cốt sang phần hồn, từ thể xác sang nội tâm, từ tả thực sang tượng trưng gợi mở. Ðối với nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê, Trần Phúc Duyên là một trong những danh họa trong lĩnh vực sơn mài.
Ông là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của phương Tây và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của phương Ðông, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt. Sau nửa thế kỷ miệt mài nghiền ngẫm và thực hành, họa sĩ đã chắt lọc ngôn ngữ thị giác từ tạo hình trang trí xuống còn trừu tượng tối giản, thông qua đó nâng tầm biểu đạt của sơn mài Việt lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây.
Những người có công lớn trong việc đưa di sản độc đáo của họa sĩ Trần Phúc Duyên về trưng bày tại Việt Nam chính là hai nhà sưu tập Phạm Quốc Ðạt và Lê Quang Vinh. Sau khi Trần Phúc Duyên qua đời năm 1993, toàn bộ tác phẩm, tài liệu, sổ sách của ông được đóng thùng và lưu tại một nhà kho ở ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sĩ.
Trong 20 năm, di sản này bị ngủ quên, cho tới năm 2018, hai nhà sưu tập Phạm Quốc Ðạt và Lê Quang Vinh tình cờ khám phá. Và đây cũng là cái duyên bắt đầu hành trình sưu tập độc lập của Phạm Lê Collection. Họ đã dành nhiều công sức để lần tìm thêm những manh mối về họa sĩ, gặp gỡ gia quyến của ông bên Pháp và Việt Nam. Từ đó, mở ra chuyến hồi hương kỳ diệu cho các tác phẩm nghệ thuật của cố họa sĩ. Vì vậy, với những người tổ chức sự kiện văn hóa hiếm có này, cũng như với giới sưu tầm và cả công chúng yêu nghệ thuật, “Họa duyên tương ngộ” có ý nghĩa như một triển lãm hồi cố.
Nhà sưu tập Phạm Quốc Ðạt chia sẻ: “Là những người con xa quê, chúng tôi đã thật sự xúc động khi lần đầu đứng trước những sáng tác đậm tình quê hương của ông. Ngắm nhìn những bức tranh đang còn vương bụi thời gian, dần mở lại những ký họa được lưu trữ, lần giở những cuốn sổ tay của ông, chúng tôi thầm hứa sẽ đưa các tác phẩm của ông trở về với quê hương trong một ngày thật gần”.
Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Phạm Quốc Ðạt và Lê Quang Vinh tin rằng những người yêu nghệ thuật và cái đẹp ở Việt Nam sẽ chào đón tranh Trần Phúc Duyên, để tâm hồn ông sau bao năm xa quê lưu lạc được bay lượn trên những cánh đồng lúa trĩu bông vùng Hà Tây xứ Ðoài, ngắm nhìn Vịnh Hạ Long nơi ông và các bạn đồng trang lứa năm xưa cùng nhau đi thực tế lấy mẫu sáng tác, đắm mình dưới những đêm trăng tĩnh mịch, và hơn tất cả, để ông trở về với đất mẹ yêu thương.