Công nhân các khu công nghiệp ở Hà Nội vẫn khát nhà ở xã hội

NDO - Sáng 23/5, tại Khu công nghiệp Thạch Thất, huyện Quốc Oai, Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động Thủ đô năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đối thoại với công nhân, người lao động Thủ đô.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đối thoại với công nhân, người lao động Thủ đô.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh cho biết, Hà Nội có hơn 270 nghìn doanh nghiệp với khoảng 2,7 triệu lao động.

Thành phố hiện có 10 Khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động, trong đó hơn 80% là lao động ngoại tỉnh.

Vấn đề nhà ở cho công nhân lao động vẫn là yêu cầu bức xúc hiện nay. Khoảng hơn 80% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư nên rất mong muốn được mua nhà ở xã hội với mức giá phù hợp để an cư, lập nghiệp.

Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như trường mầm non công lập, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp tập trung… hầu như chưa có.

Công nhân các khu công nghiệp ở Hà Nội vẫn khát nhà ở xã hội ảnh 1

Đại diện công nhân, người lao động Thủ đô nêu ý kiến.

Đặc biệt, khối trường phổ thông trung học còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào các trường công lập, điều đó đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường dân lập với chi phí học tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập của công nhân lao động.

Trước tình hình đó, thành phố Hà Nội đã triển khai, hỗ trợ tiền thuê nhà cho 371.638 lượt lao động tại 20.794 doanh nghiệp với số tiền hơn 194 tỷ đồng…; Chỉ đạo các Sở, ngành triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động như giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá điện, nước... Vận động doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các nhà máy, xí nghiệp…

4 tháng đầu năm 2024, thành phố giải quyết việc làm cho 73.298 lao động, đạt 44,4 % kế hoạch.

Hiện nay, số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2.059.803 người, tăng 88.126 người so cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Trước khi diễn ra Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố với công nhân lao động Thủ đô năm 2024, Ban Tổ chức Hội nghị đã tiếp nhận được hơn 600 ý kiến, kiến nghị gửi về từ các đại biểu công nhân lao động và Công đoàn cơ sở.

Công nhân các khu công nghiệp ở Hà Nội vẫn khát nhà ở xã hội ảnh 2

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Các ý kiến chủ yếu liên quan, tập trung vào các nhóm vấn đề như nhà ở cho công nhân; đời sống, việc làm của công nhân lao động; vấn đề thực hiện chính sách đối với công nhân lao động; an toàn giao thông; nâng cao trình độ chuyên môn và đào tạo nghề; đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp…

Tại Hội nghị, đã có 24 ý kiến trực tiếp của công nhân lao động đến lãnh đạo thành phố. Với những vướng mắc có thể tháo gỡ, lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, đơn vị đã giải đáp ngay tại Hội nghị.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh đánh giá, những ý kiến rất sát với thực tế đời sống, chính quyền lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của anh chị em công nhân, những đề xuất từ cụ thể đến vĩ mô.

Trước những kiến nghị của công nhân lao động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao các sở, ban, ngành tiếp tục tháo gỡ; cái gì làm ngay thì phải xác định được thời gian, cái gì cần nghiên cứu thì phải có lộ trình, rõ quan điểm, cách làm.

Công nhân các khu công nghiệp ở Hà Nội vẫn khát nhà ở xã hội ảnh 3

Lãnh đạo thành phố tặng quà cho các công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất trong những vấn đề đã nêu là nhà ở xã hội cho công nhân. Đây cũng là nội dung cả hệ thống chính trị của thành phố đang vào cuộc nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu, kế hoạch.

Thành phố phấn đấu năm 2024 sẽ có những dự án khởi công và hoàn thành, từ đó tạo ra quỹ nhà cho công nhân.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ quan tâm đến việc đầu tư các thiết chế văn hóa để công nhân lao động ổn định cuộc sống. Liên quan đến chính sách an sinh xã hội, thành phố sẽ có những quyết sách trình Hội đồng nhân dân cho phù hợp lộ trình phát triển Thủ đô.

Tại Hội nghị, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã trao 50 suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và quà trị giá 350 nghìn đồng.