Không phải ngẫu nhiên những người nông dân chân lấm tay bùn bỗng “chuyển nghề” làm du lịch; cũng không phải ngẫu nhiên các làng nghề bắt nhịp với đổi mới sáng tạo. Cùng với việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, các ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ hỗ trợ người dân ở các làng quê. Ðó là một kinh nghiệm hay cho việc phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.
Nghị quyết số 09-NQ/TU được Thành ủy ban hành, yêu cầu không một đơn vị nào đứng ngoài cuộc, 100% số sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai quán triệt những yêu cầu, nhiệm vụ của Nghị quyết đến tận các chi bộ.
Công nghiệp văn hóa "về làng"
Sự phối hợp đồng bộ
Các quận, huyện, thị xã đều xây dựng, ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy sau khi tổ chức rà soát, thảo luận kỹ càng, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, để từ đó nhận diện những tiềm năng, thế mạnh của mình. Việc quán triệt nghị quyết sâu rộng khiến công nghiệp văn hóa thật sự “về làng”, giúp nhận thức của cán bộ, đảng viên từ cơ sở về công nghiệp văn hóa được nâng lên.
Anh Nguyễn Thế Nghị, phường rối Ðào Thục cho biết: “Tôi là Chi ủy viên thôn Ðào Thục, được phân công phụ trách phường rối, đồng thời, cũng là thành viên của phường. Trước đây, chúng tôi chỉ tập trung diễn xuất, đón khách du lịch. Bây giờ các thành viên phường rối được biết hoạt động của mình nằm trong tổng thể phát triển công nghiệp văn hóa của huyện, của thành phố. Bởi vậy, các thành viên phường rối động viên nhau nỗ lực hơn nữa, sáng tạo hơn để phát triển du lịch văn hóa tại địa phương”.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm du lịch, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có hiệu quả là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: Nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân. Ðiển hình như sản phẩm du lịch tại bản Miền (huyện Ba Vì), từ đề xuất của Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, Sở Du lịch đã tổ chức các đoàn khảo sát đến tận thôn, bản. Trên cơ sở tài nguyên sẵn có, đại diện các hãng lữ hành, các chuyên gia du lịch đã góp ý để địa phương hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách du lịch. Cách làm này được triển khai với một số sản phẩm khác. Ðối với việc thay đổi mẫu mã thiết kế các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề, cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Sở Công thương tổ chức trong những năm qua đã có tác động sâu rộng.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết: “Cùng với việc hỗ trợ tích cực của ngành công thương, chính quyền thành phố Hà Nội, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc đổi mới sáng tạo các mẫu sản phẩm đã thu hút và tạo ấn tượng đối với các nhà nhập khẩu, khách thương mại trong và ngoài nước”.
Cùng với những hoạt động này, thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số (Ðề án 06), tháng 12/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và được triển khai đồng bộ tại các địa phương. Lộ trình chuyển đổi số đã thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa tại khu vực nông thôn.
Công nghiệp văn hóa “về làng” (Tiếp theo kỳ trước)(★)
Tiếp sức bằng chính sách
Việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy đã tạo đột phá bước đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa ở khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục. Phó Giám đốc Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) Nguyễn Trung Thành đề xuất: “Thời gian qua, thành phố Hà Nội, các sở, ngành đã tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế sản phẩm, nhưng những sản phẩm ưu việt phục vụ du lịch vẫn còn ít. Thành phố cần tiếp tục duy trì các cuộc thi thiết kế sản phẩm phục vụ du lịch. Mặt khác, chính quyền địa phương cần quan tâm nghiên cứu quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, cải tạo cảnh quan, môi trường khu vực làng nghề đồng bộ hơn”.
Trong quá trình phát triển, số hóa là một yêu cầu tất yếu, không thể cưỡng lại được. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc chia sẻ: “Chuyển đổi số mang đến những trải nghiệm khác biệt và rất thú vị trong mua sắm; làm cho trải nghiệm ở làng nghề thú vị hơn; tạo điều kiện để thu hút khách mua sắm, từ đó tạo thu nhập và phát triển bền vững; nâng cao năng lực và các nhân tố trong chuỗi cung cấp dịch vụ”. Bởi vậy Hà Nội cần đầu tư hơn nữa cho chuyển đổi số ở các làng nghề, vì ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo “đòn bẩy” cho phát triển du lịch đến các làng nghề, thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
Ngày 28/6 vừa qua, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Một trong những vấn đề được coi trọng nhất của Luật Thủ đô (sửa đổi) là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Mấu chốt giúp các địa phương phát triển thành công công nghiệp văn hóa thời gian qua là sự hợp tác chặt chẽ của các bên: Chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư sở hữu các nguồn tài nguyên cho công nghiệp văn hóa. Nói rộng hơn, đây chính là việc xây dựng “hệ sinh thái” cho công nghiệp văn hóa khu vực nông thôn.
Các điều khoản trong Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa đề cập trực tiếp đến phát triển công nghiệp văn hóa như quy định về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, làng nghề, làng cổ, phố nghề, thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa...; vừa được đề cập gián tiếp qua các cơ chế liên quan đến tái thiết đô thị, phát triển nông thôn, lộ trình số hóa hay ưu đãi đầu tư...
Về bản chất, đây là hành lang pháp lý tối cao để hình thành một hệ sinh thái cho công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa khu vực ngoại thành nói riêng. Trong đó, công nghiệp văn hóa chính là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong hưởng ưu đãi đầu tư. Danh mục các dự án mới đầu tư vào công nghiệp văn hóa được hưởng ưu đãi sẽ do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định chi tiết.
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn khẳng định: “Ngay trong tháng 7, chúng ta sẽ triển khai kế hoạch liên quan đến phát triển văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Ðây sẽ là điều kiện tuyệt vời, môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư có thể yên tâm có được những dự án phát triển văn hóa một cách thuận lợi”. Bởi vậy, cùng với những quy định, những điều chỉnh của Luật Thủ đô (sửa đổi), dư luận chờ đợi từ nền móng này, thành phố sớm cụ thể hóa thành những chính sách hợp lý để công nghiệp văn hóa sớm có bước đột phá, phát triển tương xứng với tiềm năng.
(★) Xem Trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ số ra ngày 2 và 5/7/2024.