Công nghiệp văn hóa "về làng"

Do điều kiện hạ tầng chưa hoàn thiện, hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể và làng nghề tại khu vực ngoại thành Hà Nội chưa được khai thác tối ưu. Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045" (Nghị quyết số 09-NQ/TU) được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 22/2/2022 đã đem lại sức sống mới cho công nghiệp văn hóa khu vực ngoại thành. Người dân các làng quê đã đẩy mạnh khai thác lợi thế để phát triển du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc khi đến với bản Miền của người Dao quần chẹt (huyện Ba Vì).
Khách du lịch được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc khi đến với bản Miền của người Dao quần chẹt (huyện Ba Vì).

Bài 1: Làng quê chuyển mình

Những nông dân vốn chỉ biết đến công việc đồng áng, đến sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ nay chuyển sang vừa sản xuất, vừa tiếp đón, giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa quê mình đến với khách du lịch. Những tiềm năng vốn ngủ yên đã được đánh thức cùng Nghị quyết số 09-NQ/TU, để người dân ở những làng cổ, làng nghề mở hướng đón khách du lịch, đem lại những đột phá về phát triển kinh tế.

Bản Miền nằm dưới chân núi Ba Vì, là địa bàn cư trú lâu đời của 271 hộ người dân tộc Dao. Trải qua năm tháng, không chỉ lưu giữ, đồng bào nơi đây đã đưa những nét văn hóa đặc sắc như: Lễ cúng Bàn Vương, Lễ cấp sắc, Lễ Tết nhảy… và tri thức dân gian phong phú về chữa bệnh bằng thuốc nam vào khai thác trong các tour du lịch trải nghiệm văn hóa, chăm sóc sức khỏe.

Giữa vùng núi Ba Vì bốn bề ngát xanh, khách du lịch sẽ được trải nghiệm các dịch vụ: Chăm sóc sức khỏe; thưởng thức các tiết mục văn nghệ, những trích đoạn các lễ tiết của người Dao; các món ẩm thực… tham gia các trò chơi dân gian với đồng bào. Hoạt động du lịch tại bản Miền mới được khai thác, nhưng đã thu hút lượng lớn khách du lịch.

Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh đánh giá, việc phát triển mô hình du lịch tại bản Miền không chỉ giúp phát triển địa phương kinh tế, mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.

Khu vực ngoại thành Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng lực cản lớn là hạ tầng chưa đồng bộ, người dân chưa mạnh dạn thay đổi tiếp cận những cách thức làm ăn mới. Sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TU ra đời, các địa phương đã quán triệt đến từng chi bộ và tạo sự đổi mới về tư duy, thay đổi hành động. Trước đây, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng chỉ phát triển ở một số địa danh như: Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức), làng gốm Bát Tràng, Giang Cao (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm)… thì nay, ngày càng nhiều địa phương đẩy mạnh khai thác giá trị văn hóa làng quê để phát triển du lịch.

Một thí dụ nổi bật khác là "chuỗi" các di sản làng quê ở phía nam Thủ đô, gồm: Đình Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), nghề tơ tằm, tơ sen (huyện Mỹ Đức). Với người dân những địa phương này, trước đây, du lịch văn hóa là khái niệm xa lạ. Nhưng hiện nay, hạ tầng được đầu tư, chuyển đổi để phục vụ cho khách du lịch. Tháng 4 vừa qua, tuyến du lịch "Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long", tập trung khai thác thế mạnh di sản văn hóa, làng nghề của ba địa danh nêu trên.

Chị Phạm Tuyết Minh, khách du lịch từ Đà Nẵng chia sẻ: "Tôi vốn biết đến một làng làm hương ở Huế, không ngờ khi ra Hà Nội lần này, tôi được khám phá thêm một làng nghề tăm hương nữa. Văn hóa, phong cảnh tại vùng Bắc Bộ có nhiều khác biệt với miền trung nên tôi thấy thú vị".

Làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh) xưa kia mỗi năm chỉ có một, hai lần biểu diễn rối nước vào lễ hội, hay vào những dịp có "việc làng". Còn bây giờ, hầu như ngày nào Phường rối nước Đào Thục cũng có những suất diễn phục vụ khách du lịch. Có ngày cao điểm các nghệ nhân phải phục vụ từ hai đến ba suất diễn. Còn ở làng cổ Đường Lâm, Nghị quyết số 09-NQ/TU tạo động lực để Đường Lâm ra mắt thêm sản phẩm mới để "giữ chân" du khách là "Chợ đêm làng cổ", tạo ra bước đột phá mới, khi làng quê bước vào lĩnh vực kinh tế đêm.

Với hơn 2.360 thôn, Hà Nội có khu vực ngoại thành rộng lớn, lưu giữ nhiều giá trị như di sản làng nghề, di sản kiến trúc, cảnh quan và những lễ hội, ẩm thực, phong tục, tập quán… Đây là nguồn tài nguyên vô tận để phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là các lĩnh vực: Du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn…

Vài năm trở lại đây, hàng loạt làng quê đã phát huy giá trị văn hóa địa phương để phát triển du lịch. Ngoài những địa chỉ nêu trên còn phải kể đến những địa phương đã và đang phát triển du lịch văn hóa hiệu quả như: Làng quạt Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), Khu di tích Thánh Gióng gắn với văn hóa làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm), làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ)…

Các nghệ nhân làng nghề đã linh hoạt trong đổi mới hoạt động, chú trọng nâng cấp trải nghiệm để thu hút khách hàng. Làng nghề Thạch Xá vốn chỉ sản xuất đồ lưu niệm là chuồn chuồn tre và một số sản phẩm khác nhưng cũng thu hút khá nhiều khách du lịch đến tham quan trải nghiệm.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái cho biết: "Nhận thấy nhu cầu của xã hội, gia đình chúng tôi đã tổ chức các chương trình trải nghiệm, khách du lịch trực tiếp đến tìm hiểu, tập làm sản phẩm. Các vị khách trong và ngoài nước đều rất thích thú. Gia đình tôi hiện thường xuyên đón các đoàn khách nước ngoài, khách là các bạn học sinh".

Song song với xu hướng nâng cấp sản phẩm, việc mở rộng phạm vi khai thác được đẩy mạnh. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: "Du lịch ngoại thành là một mảng tiềm năng mà chúng tôi phối hợp các địa phương đẩy mạnh khai thác. Hiện nay, sở đang triển khai nghiên cứu, khảo sát một tuyến du lịch chủ lực mới gồm các địa danh: Làng Ngâu (huyện Thanh Trì) với nghề nấu rượu, sản phẩm rượu hoa cúc và di sản kiến trúc đình, chùa làng; làng Phúc Am (huyện Thường Tín) với nghề làm vàng mã nổi tiếng và làng Cựu (huyện Phú Xuyên), nơi có hàng chục ngôi nhà cổ có kiến trúc châu Âu giữa làng quê mộc mạc, thanh bình. Các đối tác sẽ góp ý với địa phương hoàn thiện sản phẩm để sớm ra mắt".

Ngoài sản phẩm chủ lực này, hàng chục làng nghề, làng cổ khác cũng đang đẩy mạnh đón khách du lịch. Sự phối hợp của các sở, ngành và sự năng động, sáng tạo của người dân đang tiếp tục tạo ra những cơ hội mới cho du lịch ngoại thành.

(Còn nữa)