Công nghiệp văn hóa “về làng” (Tiếp theo kỳ trước)(★)

Bài 2: Làng nghề bắt nhịp với đổi mới, sáng tạo

Tính đến đầu năm 2024, Hà Nội có 1.350 làng nghề với 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được thành phố công nhận. Trong đó, nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa. Một trong những điểm yếu của làng nghề là khả năng bắt nhịp với thị trường về thiết kế mẫu mã, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, những điểm yếu này đang từng bước khắc phục. Nghệ nhân làng nghề ngày càng trở nên năng động, sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn (áo sẫm) giới thiệu về nét đẹp quạt Chàng Sơn đến khách du lịch.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn (áo sẫm) giới thiệu về nét đẹp quạt Chàng Sơn đến khách du lịch.

Những mẫu mã liên tục đổi mới, có thể trở thành sản phẩm lưu niệm, từng bước tiếp cận thị trường châu Mỹ, châu Âu là nét nổi bật của làng nghề Hà Nội những năm gần đây.

Đổi mới mẫu mã sản phẩm

Làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) từng tưởng như mất nghề làm nón khi nhu cầu xã hội giảm sút. Nhưng bây giờ, đến làng Chuông vào ngày nắng đẹp, mọi người sẽ thấy khắp các sân phơi, trắng một màu khi nghệ nhân hong nón. Sân của đình làng, nơi diễn ra các phiên chợ nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Những người thợ nón làng Chuông đã thay đổi kịp thời khi nhu cầu dùng nón che nắng, che mưa hầu như không còn. Người thợ chuyển hướng sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ, sản phẩm du lịch.

Nghệ nhân Lê Văn Tuy chia sẻ: “Việc tìm được thị trường cho nón lá làng Chuông trong bối cảnh nhu cầu xã hội suy giảm là điều rất khó. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng như nhiều hộ gia đình ở Phương Trung đã tìm hướng đi mới, tập trung vào làm hàng phục vụ du lịch, xuất khẩu. Nhiều mẫu mã nón mới ra đời có tính mỹ thuật cao, làm đồ trang trí, lưu niệm, điển hình như nón lụa Hà Đông giúp nghề làm nón dần khôi phục và phát triển vững vàng”.

Giống như ở làng Chuông, câu chuyện đổi mới, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm đang là chủ đề “nóng” ở khắp các làng nghề. Làng quạt Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) tưởng sẽ biến mất khi điều hòa, quạt máy phát triển. Bây giờ, quạt Chàng Sơn xuất hiện trong nhiều sự kiện văn hóa, làm đồ trang trí trong gia đình, trở thành sản phẩm lưu niệm cho du khách nước ngoài... Bên xưởng sản xuất nhiều nghệ nhân còn xây dựng không gian cho khách hàng trải nghiệm, qua đó, vừa thu hút khách du lịch, vừa tiêu thụ được sản phẩm, tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Điển hình trong đó phải kể đến gia đình bà Nguyễn Thị Tuấn. Bà Tuấn cho biết: “Bây giờ chúng tôi làm quạt với những ứng dụng mới, trở thành sản phẩm trang trí, tờ rơi giới thiệu sản phẩm, bức tranh danh lam thắng cảnh của đất nước, những câu chuyện, bài thơ, câu đối hay ghi công danh, sự nghiệp của các Anh hùng dân tộc... Việc thay đổi mẫu mã, thiết kế, công năng giúp quạt Chàng Sơn được thị trường đón nhận”.

Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 22/2/2022) về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” là điều gì đó xa lạ. Nhưng khi triển khai, những vấn đề Nghị quyết nêu ra đều thiết thực gắn bó với chính cuộc sống của người dân, nhất là làng nghề thủ công mỹ nghệ. Làng nghề vốn có tiềm năng lớn, nhưng muốn bắt nhịp với công nghiệp văn hóa, thì phải tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Quá trình này đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới.

Làng nghề Bát Tràng những năm gần đây ghi nhận một lứa nghệ nhân trẻ đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Điển hình như các nghệ nhân Trần Anh Tú, Nguyễn Ngọc Minh với các sản phẩm gốm có kiểu dáng mới nhưng lấy cảm hứng từ hoa văn trang trí truyền thống; nghệ nhân Vũ Như Quỳnh với gốm đắp nổi 3D... Làng nghề mây tre đan Phú Vinh chứng kiến những mẫu thiết kế chinh phục được thị trường khó tính như châu Âu của nghệ nhân Nguyễn Phương Quang... Cùng với nỗ lực của các nghệ nhân, Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội do Sở Công thương tổ chức liên tục những năm qua đã tạo nên không khí đổi mới, sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ rộng khắp các làng nghề Hà Nội.

Số hóa trong mọi công đoạn

Trước khi triển khai đắp, nặn sản phẩm, công việc của nghệ nhân Trần Anh Tú (làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm) là thiết kế và thử nghiệm các màu sắc của tác phẩm trên máy tính. Thí dụ như khi khai thác một hoa văn cổ, việc đầu tiên là số hóa chính hoa văn đó, rồi thiết kế trong môi trường số trước khi triển khai sản xuất trên thực tế. Nghệ nhân Trần Anh Tú cho biết, quá trình số hóa được ứng dụng trong nhiều công đoạn, nhất là thiết kế. Không chỉ với làng nghề Bát Tràng mà ở hầu hết các làng nghề, thiết kế sản phẩm trong môi trường số đã trở nên quen thuộc với những nghệ nhân thế hệ 8x và 9x. Ở bất cứ làng nghề truyền thống nào, thí dụ như mây tre đan Phú Vinh, sơn mạ Hạ Thái, thêu ren Quất Động... các nghệ nhân đều thiết kể sản phẩm của mình trên máy tính sau đó mới triển khai sản xuất. Số hóa giúp cho nghệ nhân thuận tiện hơn, hình dung sản phẩm rõ hơn, từ đó, điều chỉnh để có những tác phẩm ưng ý nhất.

Bên cạnh số hóa trong thiết kế, nhận thức rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu, các làng nghề trên địa bàn chủ động ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và đặc biệt là khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử. Gia đình anh Vũ Văn Đình (thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) là hộ sản xuất hàng khảm trai có tiếng. Anh cho biết: “Việc tìm khách hàng, phát triển thị trường ngày càng khó khăn hơn. Trước tình hình đó, nhiều hộ gia đình trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, sản phẩm của địa phương tiếp cận được nhiều khách hàng. Hiện nay, các hộ sản xuất trong làng tiếp tục phát triển kênh tiêu thụ này ngày càng bài bản hơn”.

Phú Xuyên là địa bàn có số lượng làng nghề nói chung, nghề thủ công mỹ nghệ nói riêng rất lớn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho biết, Phú Xuyên tiếp tục chú trọng hướng dẫn làng nghề ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn người dân kiến thức về thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất trong làng nghề.

Hầu hết nghệ nhân các làng nghề thủ công mỹ nghệ đều coi chuyển đổi số là lộ trình tất yếu và đẩy mạnh triển khai. Việc đẩy mạnh số hóa của các làng nghề phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của thành phố, đồng thời, giúp các sản phẩm của làng nghề nhanh chóng tiếp cận thị trường.

(Còn nữa)

(★) Xem trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ số ra ngày 2/7/2024.