Cơ hội mới cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi Đắk Lắk

NDO - Sau hơn 10 năm nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bằng nhiều cách làm thiết thực, sáng tạo, tỉnh Đắk Lắk đã huy động được nhiều nguồn lực, nhất là phát huy nội lực trong nhân dân vào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng cải thiện, nâng cao về mọi mặt.
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo nông thôn mới xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Súp ngày càng khởi sắc.
Diện mạo nông thôn mới xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Súp ngày càng khởi sắc.

Trong thời gian tới, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Lắk còn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là nguồn lực, là cơ hội mới cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững.

Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi trở lại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, địa phương có tới 98% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất của tỉnh Đắk Lắk.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông sạch đẹp nối các buôn làng Ê đê, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Tul Y Tiếp Niê Knẽng cho biết: Xã Ea Tul có diện tích tự nhiên 5.689ha, có 11 thôn, buôn với dân số gần 12.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 98%.

Năm 2011, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Ea Tul đối mặt với nhiều khó khăn như kết cấu hạ tầng còn thấp kém, hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất; trình độ dân trí thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao... Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và huyện Cư M’gar, Ea Tul đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân nên huy động được mọi nguồn lực.

Từ năm 2011 đến năm 2016, toàn xã đã huy động được hơn 40,382 tỷ đồng vào xây dựng nông thôn mới. Từ các nguồn vốn trên, xã đã tập trung bê tông hóa đường giao thông, xây dựng trường học, nhà văn hóa cộng đồng các thôn, buôn, hỗ trợ nhân dân mở rộng sản xuất, tạo cho bộ mặt nông thôn ở Ea Tul hoàn toàn đổi khác. Cũng trong năm 2016, xã Ea Tul được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Cư M’gar và là một trong 6 xã đạt nông thôn mới sớm nhất của tỉnh Đắk Lắk.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Tul H’Noen Niê cho biết: Kể từ khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến nay, xã Ea Tul tiếp tục huy động sức dân để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đến nay, số hộ nghèo đa chiều của xã giảm xuống còn 3,8%; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm thu nhập từ 600 đến 700 triệu đồng cho nên xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được cả xe ô tô, xe cày phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Kinh tế phát triển, đời sống được nâng, đồng bào dân tộc ở xã Ea Tul càng quan tâm đến việc học tập của con em mình và bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngồi trong nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng trên chính diện tích đất do gia đình mình hiến tặng, ông Y Ngôn Knul, Bí thư chi bộ, người có uy tín ở buôn Triă phấn khởi nói: “Trước đây, cuộc sống của bà con trong buôn, trong xã khổ lắm, giao thông đi lại lầy lội, làm không đủ ăn, đủ mặc. Tham gia xây dựng nông thôn mới, bây giờ buôn làng nào cũng có đường nhựa, đường bê tông; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng khang trang. Chương trình nông thôn mới đã mang đến một cuộc sống mới ấm no cho đồng bào Ea Tul”.

Cuối tháng 11, thời tiết Tây Nguyên đã chuyển sang mùa khô, dọc các tuyến đường ra biên giới Tây Nguyên, hoa cúc quỳ nở vàng rực, khiến cho bộ mặt nông thôn nơi biên viễn thêm khởi sắc. Vừa đặt chân đến xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Súp, chúng tôi không khỏi vui mừng trước sự đổi thay nhanh chóng của xã vùng biên một thời gian khó này.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Bung Phan Thanh Pha, Ea Bung là xã biên giới có diện tích tự nhiên rộng 29.785,8 ha, với dân số chỉ hơn 4.000 người cho nên những năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, toàn xã chỉ đạt 4/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm đến 30%.

Cơ hội mới cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi Đắk Lắk ảnh 1

Đồng bào dân tộc Ê đê ở xã Ea Tul, huyện Cư M’gar chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Ea Bung đã đầu tư hơn 43,6 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và các công trình văn hóa, xã hội khác trên địa bàn. Đồng thời vận động nhân dân tham gia đóng góp hơn 600 triệu đồng tham gia xây dựng nông thôn mới.

Từ một xã biên giới khó khăn, đất rộng, người thưa, đến cuối năm 2020, xã Ea Bung đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 4-5%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng/người/năm; hệ thống kênh mương được kiên cố hóa bảo đảm nước tưới cho trên 90% diện tích cây trồng; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 91,5%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu quả…

Cơ hội mới cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Không chỉ riêng xã Ea Tul, Ea Bung mà trong những năm qua, các địa phương ở Đắk Lắk đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được tối đa nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng cho biết: Trong giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh đã huy động được hơn 42.202 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ các nguồn trên, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đề ra một cách sáng tạo, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới, một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thành phố Buôn Ma Thuột đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của người dân, từ chỗ số đông còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng nông thôn trong tỉnh ngày càng hoàn thiện, góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhân dân và bộ mặt nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong thời gian tới, ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Lắk còn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là các nguồn lực quan trọng, là cơ hội mới thúc đẩy phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao đời sống của nhân dân.