Bão số 3 (Bão Yagi) gây hậu quả nặng nề cho nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Chỉ sau một đêm (đêm 7/9), nhiều tài sản và thành quả của người nông dân đã tan theo mưa bão, trong số đó phải kể đến những người nông dân trồng chuối ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
“Mất trắng rồi”
Bà Nguyễn Thị Tỉnh (thôn Kiến Châu, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu) cho biết, bão số 3 đi qua khiến 18 mẫu chuối, 2 mẫu quất cảnh của gia đình bà bị tàn phá tan hoang hết. “Tiền thuê đất, tiền mua cây giống, tiền thuê người chăm sóc cây… khoảng 5 tỷ, mất trắng rồi. Đau xót nhất là 2 mẫu quất. Tôi bán cho người ta từ hồi tháng 8/2024 với giá 2 tỷ, nhận cọc 1 tỷ rồi, nhưng sau khi bão đổ bộ, quất chết hết, người ta đến đòi lại tiền cọc mà không chia sẻ, hỗ trợ gì với gia đình tôi cả”, bà Tỉnh chua xót.
Bà Tỉnh cũng cho biết thêm, những năm trước, thời tiết mưa thuận gió hòa, nếu trừ hết các khoản chi phí đi, mỗi năm gia đình bà cũng thu về được khoảng 500 triệu đồng từ việc trồng chuối. Còn quất cảnh thì có năm lãi, có năm lỗ vốn...
Mưa bão đi qua, chỉ còn lại cánh đồng chuối đổ rạp. |
Đang thu dọn vườn chuối bị ngã, đổ, bà Nguyễn Thị Lúa (thôn Kiến Châu, xã Tân Châu) chia sẻ, làm nông nghiệp mấy chục năm qua, chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào kinh hoàng đến như vậy. Chỉ trong vài tiếng bão đổ bộ, 1.000m2 trồng chuối của gia đình đổ gục không còn cây nào... "Trước khi bão đổ bộ vào, gia đình tôi đã mua dây về chằng buộc cẩn thận hết rồi. Thế mà chỉ sau một đêm gần 300 gốc chuối của gia đình đều đổ rạp hết xuống đất. Vụ chuối này trồng để kịp bán dịp Tết nên chúng tôi đầu tư chăm sóc tốt hơn các vụ khác, tốn bao nhiêu công sức, tiền phân bón…", bà Lúa ngao ngán.
Bà Nguyễn Thị Lúa đang dọn dẹp lại cánh đồng chuối đổ rạp. |
Những ngày này, trên những cánh đồng ở huyện Khoái Châu, người nông dân đang tất bật dọn dẹp lại để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Nhìn những nải chuối xanh non nằm lăn lóc dưới đất, những thân chuối đổ gục xuống mặt đất chảy dòng nhựa... tựa như những giọt nước mắt xót xa của người nông dân ở nơi này!
Chỉ còn vài tháng nữa, người trồng chuối dự kiến sẽ thu về "trái ngọt" khi đưa những buồng chuối đẹp mắt đi tiêu thụ bán ra thị trường Tết Nguyên đán ở những tỉnh lân cận với mức giá dự kiến từ 180.000-200.000 đồng/buồng. Thế nhưng, thiên tai cướp đi của họ tất cả. Nhiều người dân ở Khoái Châu dự báo, Tết năm nay sẽ là Tết Nguyên đán buồn của những người trồng chuối!
Mong sớm được hỗ trợ
Theo tìm hiểu, đa số các hộ dân trên địa bàn xã Tân Châu, huyện Khoái Châu đều trồng chuối, mỗi hộ gia đình có từ 2, 3 sào. Một số hộ thuê đến hàng chục mẫu để trồng chuối. Sau khi bão xảy ra, trưởng thôn đã đến từng hộ gia đình trồng chuối ghi nhận, thống kê về số thiệt hại để báo cáo lên xã, huyện, tỉnh để có phương án hỗ trợ.
Theo người dân, mặc dù đã trình báo, thống kê thiệt hại ngay sau khi bão số 3 đi qua, nhưng đến nay họ vẫn chưa được thông báo sẽ được hỗ trợ như thế nào... Điều này khiến nhiều người dân trồng chuối lo lắng. “Chúng tôi mong chính quyền địa phương, ngân hàng quan tâm, sớm có những chính sách hỗ trợ cho những người bị thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Hỗ trợ bao nhiêu cũng được, một đồng lúc này cũng quý. Chứ giờ chúng tôi kiệt sức lực rồi, chẳng biết lấy tiền đâu mà mua giống trồng mới”, một người dân xã Tân Châu chia sẻ.
Dù thiệt hại nghiêm trọng, nhưng đa số các hộ dân trồng chuối tại huyện Khoái Châu vẫn chưa từng nghĩ, sẽ chuyển đổi sang trồng cây khác trong năm tới đây để tránh thiệt hại bởi bão, lũ.
Ông Nguyễn Văn Nên (người trồng chuối kỳ cựu ở xã Tân Châu) cho biết, trồng chuối rất đơn giản, không phải bỏ ra nhiều vốn và nhiều công chăm sóc. Bên cạnh đó, trồng chuối mang lại thu nhập khá cho người dân. Nhiều gia đình trong thôn xây được nhà to, mua ô-tô cũng là nhờ vào chuối.
"Năm nào cũng có bão, cũng đổ cây, nhưng năm nay bão mạnh quá, chúng tôi gần như mất trắng. Sang năm nếu bão không mạnh như năm nay thì tôi tin rằng nụ cười của người trồng chuối hy vọng sẽ trở lại! Ông bà có câu: Còn người là còn của, lo lắng quá cũng chẳng giải quyết được gì, quan trọng là phải bình tĩnh, chờ cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ để sớm khắc phục hậu quả", ông Nên nói.
Ông Phan Văn Hiếu, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) cho biết: Mặc dù đã chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành, ứng phó với bão từ sớm, nhưng do cường độ bão mạnh đã gây ra thiệt hại rất lớn cho lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chủ yếu là cây chuối.
Người dân vớt vát những buồng chuối già còn lại sau bão. |
Theo ông Hiếu, thống kê sơ bộ, có khoảng 600ha diện tích trồng chuối trên địa bàn huyện Khoái Châu bị thiệt hại, chủ yếu ở các xã Tân Châu, Đông Ninh, Đại Tập, Tứ Dân.
Tái thiết vùng lũ
Về công tác khắc phục hậu quả, ông Hiếu chia sẻ, trước mắt Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu đề nghị với Ủy ban nhân dân huyện Khoái Châu, hỗ trợ mỗi xã 50 triệu đồng để phục vụ công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. “Số tiền này là để xã phân bổ cho lực lượng tham gia hỗ trợ người dân dọn dẹp”, ông Hiếu nói.
Những cây chuối chuẩn bị thu hoạch bị bão làm gẫy đổ. |
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu cũng đã chỉ đạo các xã thông báo tới người dân phải dọn sạch cành lá, cây bị đổ gãy. Tiến hành chằng, buộc lại đối với cây bị nghiêng để bảo vệ, còn nước còn tát. Những cây bị đổ cố gắng tận thu những buồng chuối già để bán, chuối non để làm thực phẩm. Trên diện tích bị úng không được chăm sóc bất kỳ loại phân bón nào cho cây. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách kê khai thiệt hại, để báo các cấp, ngành và tỉnh để có chính sách hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, tái thiết trồng trọt, ổn định cuộc sống.