Thách thức về tái thiết Dải Gaza

Theo báo cáo của LHQ, có đến 80% số doanh nghiệp ở Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi Israel phát động chiến tranh cách đây gần một năm. Cuộc chiến của Israel đã tàn phá nền kinh tế của dải đất thuộc Palestine, quy mô giảm xuống còn chưa đầy 17% so năm 2022. Trong khi đó, kinh tế ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng cũng đang sụt giảm đáng kể.
0:00 / 0:00
0:00
Một khu dân cư ở thành phố Rafah bị phá hủy thành đống đổ nát. Ảnh: UN
Một khu dân cư ở thành phố Rafah bị phá hủy thành đống đổ nát. Ảnh: UN

Suy thoái kinh tế nhanh chóng và đáng báo động

Báo cáo do Cơ quan Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD) công bố đã cho thấy: “Các quy trình sản xuất đã bị gián đoạn hoặc tàn phá, nguồn thu nhập biến mất, đói nghèo gia tăng và lan rộng, các khu dân cư bị xóa sổ, nhiều cộng đồng và thị trấn bị tàn phá”. Điều phối viên Mutasim Elagraa thuộc chương trình hỗ trợ người Palestine của UNCTAD cho biết vẫn chưa rõ chi phí để tái thiết là bao nhiêu. “Nhưng bằng chứng chúng ta có hiện nay cho thấy con số đó sẽ lên tới hàng chục tỷ USD hoặc thậm chí có thể còn cao hơn nữa”, ông nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tổ chức mới đây ở Geneva (Thụy Sĩ).

Theo UNCTAD, đến đầu năm 2024, có tới 96% tài sản nông nghiệp của Gaza, bao gồm các trang trại, vườn cây ăn quả, hệ thống thủy lợi, máy móc và cơ sở lưu trữ đã bị phá hủy tới mức không thể phục hồi. Báo cáo cho hay, điều này đã làm suy yếu năng lực sản xuất lương thực và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thực phẩm tại vùng lãnh thổ Palestine đang bị bao vây này. Chỉ riêng trong quý IV/2023, GDP của Gaza đã giảm mạnh 81%, dẫn đến mức suy giảm 22% trong cả năm; 82% số doanh nghiệp ở Gaza cũng bị hư hại hoặc phá hủy. UNCTAD cho biết: “Đến giữa năm 2024, nền kinh tế Gaza đã suy giảm xuống còn chưa đến 17% so cùng kỳ năm 2022. Sẽ mất hàng thập kỷ để đưa Gaza trở lại tình trạng như trước lúc tháng 10/2023”.

Trong khi đó, cơ quan này cảnh báo tình trạng bạo lực gia tăng ở Bờ Tây cũng đã gây ra suy giảm kinh tế nhanh chóng và đáng báo động, đồng thời chỉ ra rằng GDP tại đây đã giảm 19% trong quý cuối cùng của năm 2023. UNCTAD cho biết, các yếu tố như tịch thu đất đai, phá hủy các công trình của người Palestine và tình trạng bạo lực gia tăng của người định cư đã khiến các cộng đồng ở Bờ Tây phải di dời và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế. Khoảng 80% doanh nghiệp ở Jerusalem đã ngừng hoạt động một phần hoặc toàn bộ. Đi cùng với đó, tình hình thị trường lao động trên khắp lãnh thổ Palestine cũng xấu đi đáng kể từ ngày 7/10/2023, khi quân đội Israel tấn công làm ít nhất 662 người Palestine thiệt mạng.

Báo cáo cho thấy, 96% số doanh nghiệp ở Bờ Tây đã giảm hoạt động và hơn 42% số doanh nghiệp phải cắt giảm lực lượng lao động. Tổng cộng, 306.000 việc làm biến mất, đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Bờ Tây từ gần 13% trước khi Israel phát động chiến tranh ở Gaza lên 32%. Tại Gaza, tính đến tháng 1 năm nay, người lao động đã mất tới hai phần ba số việc làm trước chiến tranh, tương ứng khoảng 201.000 vị trí. Tỷ lệ thất nghiệp tại vùng lãnh thổ bị bao vây của Palestine đã lên tới 79% vào quý IV/2023, tăng so với mức 46% trong quý trước.

Kích hoạt lại sản xuất tại địa phương

Nhà kinh tế học Aya Jaafar tại Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, khoảng 25% số người thiệt mạng ở Dải Gaza là nam giới trong độ tuổi lao động. Bà Jaafar cho biết, việc mất đi những nguồn thu nhập chính này có nghĩa là các gia đình “sẽ phải đối mặt khó khăn về kinh tế sau khi chiến tranh kết thúc”. Điều này có thể dẫn đến việc nhiều trẻ em tham gia thị trường lao động ở Dải Gaza trong tương lai, làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng bóc lột lao động trẻ em. Bà Jaafar cho biết ngay sau chiến tranh, một số chương trình việc làm khẩn cấp sẽ rất quan trọng để cung cấp thu nhập cho những người lao động mất việc làm khi họ phải tìm cách hỗ trợ gia đình.

Dự kiến, những doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ cần các khoản tài trợ khẩn cấp và trợ cấp tiền lương như một phần của quá trình khôi phục hoạt động và tạo điều kiện phục hồi kinh tế địa phương. Phát triển kỹ năng và đào tạo nghề rộng rãi cũng sẽ là yêu cầu bắt buộc. Bà Jaafar nói thêm rằng một nhiệm vụ quan trọng đối với bất kỳ chính phủ tương lai nào của Gaza là xác định các chiến lược kinh tế, không chỉ nhằm cải thiện điều kiện sinh sống mà còn bảo đảm tăng trưởng tạo ra việc làm tốt. “Các chương trình đầu tư nhằm tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương, đồng thời hỗ trợ tái thiết hoặc phục hồi cơ sở hạ tầng bị phá hủy cũng sẽ đóng vai trò quan trọng”, chuyên gia kinh tế phân tích thêm.

Khả năng tiếp cận lương thực vẫn là mối quan tâm hàng đầu kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột. Theo chuyên gia Abdel Hakim Elwaer của Tổ chức Nông-Lương Thế giới (FAO), nhiều người ở Dải Gaza đang phải đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng khi nạn đói trở nên lan rộng. Trước khi xung đột xảy ra, Gaza có ngành nông nghiệp và thủy sản phát triển mạnh mẽ để xuất khẩu và tiêu dùng tại địa phương. Nhưng phần lớn khu vực này đã sụp đổ do các cuộc ném bom liên tục trên khắp vùng đất.

Theo ông Elwaer, gần 50% diện tích đất nông nghiệp đã bị phá hủy, do đó chuỗi cung ứng đã sụp đổ. Ông cho biết: “Người dân Dải Gaza cần hạt giống, phân bón và hỗ trợ điều kiện để khôi phục sản xuất tại địa phương. Tuy nhiên, việc phục hồi ngành nông nghiệp thương mại sẽ khó khăn hơn nhiều lần. Gần như phần lớn tài sản nông nghiệp đã bị phá hủy, vì vậy cần phải đầu tư rất nhiều. Chúng ta cần phục hồi những gì đã bị hư hại, xây dựng hạ tầng và sau đó hy vọng khu vực tư nhân sẽ tham gia trở lại”.

Thách thức về tái thiết Dải Gaza ảnh 1

Khung cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel. Ảnh: UN

Kinh phí tái thiết khổng lồ

Vẫn còn quá sớm để có thể tính toán chi phí tái thiết Gaza sẽ tốn kém bao nhiêu vì cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Ngân hàng Thế giới (WB) từng tính toán con số này là 18,5 tỷ USD, nhưng mới chỉ tính đến thiệt hại đến cuối tháng 1 năm nay. Chi phí xây dựng lại tốn kém nhất là nhà ở (chiếm 72% tổng chi phí), tiếp theo là cơ sở hạ tầng dịch vụ công như nước sạch, y tế và giáo dục (19%). Con số đó cũng chưa bao gồm chi phí duy trì cuộc sống cho người dân bằng viện trợ nhân đạo trong nhiều năm tới. Đó là chưa kể cơ quan rà phá bom mìn sẽ mất nhiều năm để tìm kiếm những quả bom chưa nổ trên khắp khu vực này.

Nếu công cuộc tái thiết bắt đầu ngay sau khi các cuộc giao tranh kết thúc và với điều kiện lệnh phong tỏa ở Dải Gaza của Israel, vốn đã kéo dài trong 18 năm, được chấm dứt, thì ở mức tăng trưởng 10% và được duy trì liên tục trong những năm tới, phải đến năm 2035, vùng đất này mới trở lại trạng thái như trước khi có xung đột. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,4% mỗi năm, thì Gaza sẽ phải mất ít nhất cho đến năm 2092 mới có thể quay trở lại mức kinh tế của năm 2022.

Bạo lực vẫn tiếp diễn trong khi các quốc gia và tổ chức quốc tế đang bắt đầu tranh luận về tình hình tái thiết ở Dải Gaza. Tính đến đầu tháng 9, những ước tính ban đầu cho thấy kinh phí cần thiết đã lên tới 50 tỷ USD. “Mức độ thiệt hại về mặt cấu trúc và tình trạng phá hủy là chưa từng có, không thể so sánh với bất kỳ cuộc chiến nào khác ở Gaza. Vấn đề là việc tài trợ cho Gaza, các vùng lãnh thổ và dự án khác của Palestine luôn không chỉ nằm ở tài chính”, bà Marta Lorenzo, Giám đốc Văn phòng đại diện của Cơ quan cứu trợ và công trình của LHQ dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) tại châu Âu cho biết về cuộc xung đột hiện tại.

“Vì vậy, hiện rất khó để biết chi phí sẽ là bao nhiêu, nhưng trách nhiệm này sẽ không chỉ thuộc về một nhà tài trợ mà còn là sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế”, bà Lorenzo nói.