Tái thiết nền kinh tế - Đòi hỏi cấp bách, sống còn!

Cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão đã gây nên nhiều thiệt hại về người và tài sản cho 25 tỉnh, thành phố phía bắc. Nỗi đau vẫn đang đè nặng lên mỗi con người, mỗi gia đình. Song, việc cấp thiết lúc này là lập tức bắt tay vào khắc phục hậu quả bão, lũ, chủ động phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả bão lụt tại Yên Bái. Ảnh: NHẬT BẮC
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả bão lụt tại Yên Bái. Ảnh: NHẬT BẮC

Sớm tạo sinh kế sau bão, lũ

Là tỉnh thiệt hại nặng nề do hoàn lưu bão Yagi gây ra mưa lũ lớn, Yên Bái đã có 54 người chết và mất tích; cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại nghiêm trọng, ước thiệt hại khoảng 1.240 tỷ đồng. Vừa đi kiểm tra thực địa trở về, ủng còn sũng bùn, đưa tay quệt vội mồ hôi trên trán, chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Việt Thành (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) chia sẻ, lũ về quá nhanh, trở tay không kịp, cả vùng trồng dâu vốn là sinh kế chính của hơn 300 hộ dân trong xã bị gần như bị xóa sổ do ngập úng kéo dài. Đến thời điểm hiện nay, khoảng 70% diện tích của cánh đồng dâu gần 220 ha, nằm sát bờ sông Hồng vẫn bị ngập sâu, bùn đất vùi lấp. Lúc này, việc quan trọng nhất là có chính sách hỗ trợ cải tạo đất, cây giống, để bà con sớm ổn định sản xuất.

Lường trước những khó khăn phải đối mặt, ông Vũ Xuân Trường - Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái chia sẻ, nhà máy mới đi vào hoạt động đầu năm 2023, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại chỗ. Song, giờ đây, đầu vào của nhà máy đình đốn, cơ sở vật chất hư hại, chưa thể ổn định trong ngày một ngày hai. Tiếc công sức của bà con bấy nay đã mất chỉ sau một trận thiên tai, ông Trường cũng ngổn ngang với tổn thất của chính doanh nghiệp mình.

Tham dự các cuộc họp khẩn trong thời gian xảy ra thiên tai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn luôn yêu cầu các cấp, ngành, trong thẩm quyền, sớm tham mưu ban hành chính sách đặc thù trong nông nghiệp, nhằm sớm tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng thiên tai do lũ, sạt lở đất.

Nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh

Thực hiện sớm công tác phòng chống, ứng phó bão Yagi và mưa lớn, hầu hết các đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vùng Cẩm Phả đã chủ động triển khai phương án phòng chống thiên tai, tổ chức rà soát, kiểm tra và chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị phục vụ phòng chống bão. Ngay khi cơn bão đi qua, các đơn vị tập trung cao độ triển khai công tác khắc phục hậu quả, bảo đảm ngay khi điện lưới quốc gia được cấp lại, các đơn vị đã nhanh chóng tổ chức sản xuất trở lại. Ngay từ 20 giờ ngày 8/9, Công ty Than Quang Hanh - đơn vị có điện lưới sớm nhất đã bố trí bơm nước, thông gió và nhanh chóng tổ chức sản xuất; sản lượng than sản xuất ngày 11/9 đạt trên 3.000 tấn; ca 1 ngày 12/9 số công nhân đi làm đạt hơn 90%... Đến sáng 12/9, gần như toàn bộ các đơn vị thành viên của TKV đã khôi phục sản xuất bình thường.

Dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại các đơn vị này, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn TKV Ngô Hoàng Ngân khẳng định, đến thời điểm hiện nay, cơ bản các đơn vị vùng than Cẩm Phả đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, ổn định việc làm và đời sống người lao động.

Là địa phương đầu tiên trực tiếp chịu sự tàn phá của bão Yagi, song đến chiều 15/9, tỉnh Quảng Ninh đã dần trở lại nhịp sống thường nhật. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch cũng từng bước bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực để đón khách. Tuy vậy, công tác khắc phục sự cố tàu bị đắm gặp phải khó khăn vì các cơ sở sửa chữa đang bị quá tải; chủ tàu phải mất thời gian dài và chi phí lớn mới có thể khôi phục.

Đánh giá cao nỗ lực khắc phục sau bão của doanh nghiệp và người dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định, tỉnh sẽ xem xét, kịp thời đề xuất một số chính sách hỗ trợ đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại sau bão.

Tương tự, thành phố Hải Phòng đã và đang huy động mọi nguồn lực để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân và khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh... Với quyết tâm và sự vào cuộc một cách nhanh chóng, quyết liệt, chỉ ba ngày sau bão, TP Hải Phòng đã cơ bản khôi phục hệ thống cấp điện, nước, viễn thông cho phần lớn khách hàng tại các địa phương và khu công nghiệp. Đến nay, gần 100% số doanh nghiệp trên địa bàn đã ổn định sản xuất, người dân thành phố đã dần trở lại với cuộc sống thường nhật.

Kịp thời xây dựng các gói chính sách hỗ trợ

Để tái thiết kinh tế, một trong những vấn đề được quan tâm nhất chính là nguồn vốn dành cho khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất... Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 92 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động triển khai cơ cấu lại dư nợ bị ảnh hưởng theo quy định tại Thông tư số 06/2024/TT-NHNN về thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng, giảm lãi suất... Điều này nhằm kịp thời tháo gỡ phần nào khó khăn trong xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng cũng như giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay mới cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, Agribank dự kiến giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, lũ lụt sau bão với mức độ từ 0,5-2%/năm so lãi suất đang áp dụng với khách hàng; Vietcombank đã xem xét giảm lãi suất 0,5%/năm trong giai đoạn từ ngày 6/9 đến ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130 nghìn tỷ đồng và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng; VPBank cũng vừa quyết định sẽ giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả các khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm. Các khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm 1%/năm lãi suất, các khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5%/năm lãi suất. Chương trình hỗ trợ lãi suất của VPBank được triển khai từ ngày 13/9 đến hết 31/12/2024... Mới đây nhất, TPBank triển khai Chương trình Hỗ trợ khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng do bão, lũ gây ra bởi cơn bão Yagi. Bên cạnh giảm tối đa 50% số tiền lãi khách hàng phải trả hiện tại, ngân hàng này sẽ giữ cố định mức lãi suất giảm này đến muộn nhất là ngày 31/1/2025. Chương trình áp dụng từ nay đến hết tháng 10/2024, với hạn mức lên tới 2.000 tỷ đồng.

Đối với chính sách tài khóa, Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi 26 cục thuế địa phương hướng dẫn miễn giảm, gia hạn tiền thuế cho người dân, doanh nghiệp sau bão lũ. Theo đó, người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ sẽ được miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Ở góc độ kinh tế vĩ mô, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng sáu tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương sẽ chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm hơn 0,5%.

Lúc này, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 7%, chúng ta cần có sự chuyển động đồng tốc trong cả hệ thống để bảo đảm làm sao cho có được cơ chế, chính sách thích hợp cũng như đưa ra được các giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đó là con đường ngắn nhất để triển khai các chính sách hỗ trợ vào đời sống, góp phần tái thiết nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Chủ trì hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương chủ động rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa, và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%...

Ước tính sơ bộ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng và còn có thể tăng. Đã có khoảng 257 nghìn căn nhà, 1.300 trường học bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, hơn 262 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ...

Tái thiết nền kinh tế - Đòi hỏi cấp bách, sống còn! ảnh 1

Khu sàng tuyển than Cửa Ông (Quảng Ninh), ngày 15/9/2024. Ảnh: ĐĂNG TRUNG