Chú trọng đào tạo nhân lực sư phạm

Từ nhiều năm nay, tỉnh Đồng Tháp có thế mạnh đào tạo nhân lực ngành sư phạm cho nhiều trường học vùng Tây Nam Bộ cũng như cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên ngành sư phạm Tiếng Anh trong giờ học tại “Phòng học thông minh”. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Sinh viên ngành sư phạm Tiếng Anh trong giờ học tại “Phòng học thông minh”. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Một trong những khó khăn của ngành giáo dục ở nhiều tỉnh, thành phố hiện nay là thiếu hụt giáo viên. Thực tế này đòi hỏi nhu cầu cấp thiết trong việc gia tăng đào tạo nhân lực ngành sư phạm cũng như chất lượng đào tạo giáo viên hiện nay.

Nhu cầu đào tạo cấp thiết

Năm học này, Trường đại học Đồng Tháp tuyển sinh 19 ngành đào tạo sư phạm trình độ đại học và một ngành đào tạo sư phạm trình độ cao đẳng. Trường đại học Đồng Tháp cũng là cơ sở giáo dục duy nhất tại vùng Tây Nam Bộ đang đào tạo đầy đủ ngành sư phạm phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Năm 2023, trường tuyển sinh được gần 2.800 sinh viên vào học các ngành sư phạm. Kỳ tuyển sinh năm nay, nhóm ngành sư phạm của Trường đại học Đồng Tháp là những ngành có mức điểm chuẩn cao nhất ở phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, dao động từ 22,5 đến 27,84 điểm, trong đó, cao nhất là ngành sư phạm Lịch sử.

Chúng tôi có mặt tại một “Phòng học thông minh”, nơi đang giảng dạy cho sinh viên năm thứ hai, ngành sư phạm Tiếng Anh. Thầy, trò đang say sưa dạy và học. Trò chuyện với chúng tôi, các bạn sinh viên này đều bày tỏ mong muốn năm tháng qua mau để sớm được phục vụ trong ngành giáo dục.

Còn tại một lớp học khác, chúng tôi có dịp gặp em Nguyễn Minh Toàn, quê huyện An Phú, tỉnh An Giang. Toàn là sinh viên năm thứ tư, ngành giáo dục tiểu học, Trường đại học Đồng Tháp. Toàn sẽ tốt nghiệp ra trường vào giữa năm sau.

Minh Toàn cho biết, bản thân từ nhỏ có niềm đam mê với nghề giáo viên. Do đó, khi tốt nghiệp phổ thông, em đã đăng ký xét vào học tại Trường đại học Đồng Tháp vì em tìm hiểu biết được là bên cạnh nhiều chính sách ưu đãi, chương trình đào tạo của nhà trường rất thiết thực, phù hợp với sinh viên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

“Trong quá trình học, em nhận thấy chất lượng đào tạo của nhà trường ngày càng được cải thiện, các chuẩn cũng được nâng cao lên cho phù hợp với năng lực của sinh viên ngành sư phạm.

Qua đó, giúp cho chúng em khi ra trường sẽ có những kiến thức chuyên môn cũng như được trang bị những kỹ năng phù hợp bảo đảm quá trình công tác lâu dài tại địa phương.

Mỗi sinh viên sư phạm chúng em phải luôn nỗ lực tự học, rèn luyện, luôn hướng tới tư duy đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học để sau này khi ra trường phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh”, Nguyễn Minh Toàn cho biết.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, đến tháng 9/2024, tỉnh Đồng Tháp có hơn 16.670 giáo viên mầm non, phổ thông (không bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên đoàn - đội). So với nhu cầu chung, tỉnh Đồng Tháp còn thiếu 1.426 giáo viên, trong đó tập trung nhiều ở các bộ môn: mầm non: 428 giáo viên, tiểu học 316 giáo viên, tiếng Anh: 178 giáo viên, Tin học: 125 giáo viên, Ngữ văn: 107 giáo viên.

Việc đào tạo nhân lực sư phạm hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý (trong đó có Trường đại học Đồng Tháp).

Do đó, trên cơ sở các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp sẽ phối hợp các sở, ngành và địa phương rà soát, dự báo số giáo viên sẽ nghỉ hưu, thôi việc.

Đồng thời, kết hợp với số giáo viên còn đang thiếu để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định chỉ tiêu đào tạo (hoặc đặt hàng đào tạo) sinh viên sư phạm phù hợp.

Hằng năm, Sở cùng các huyện, thành phố rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế giáo viên theo định mức giáo viên trên lớp do Trung ương quy định (nếu còn thiếu).

Chủ động các giải pháp

“Trong năm học 2024-2025, ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp đề ra một số giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Cụ thể, cơ sở giáo dục phân công giáo viên tăng số tiết/giờ giảng dạy vượt chuẩn so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với một số bộ môn còn thiếu. Cơ sở giáo dục hợp đồng giáo viên nghỉ hưu với yêu cầu phải bảo đảm về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn và sức khỏe.

Song song đó, cơ sở giáo dục hợp đồng sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường đang chờ tuyển dụng. Các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng (Sở Giáo dục và Đào tạo, địa phương) tiếp tục rà soát nhu cầu, tổ chức tuyển dụng giáo viên theo thẩm quyền quy định. Hiện, Sở và một số địa phương đang thực hiện quy trình tuyển dụng mới”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thúy Hà cho biết.

Trước thực trạng ngành giáo dục ở nhiều tỉnh, thành phố đang thiếu hụt giáo viên, Trường đại học Đồng Tháp cũng đang gia tăng đào tạo nhân lực ngành sư phạm cũng như chú trọng chất lượng đào tạo.

Thế mạnh truyền thống của Trường đại học Đồng Tháp là đào tạo khối ngành sư phạm. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thẩm định Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, trong đó có đưa Trường đại học Đồng Tháp vào nhóm một trong 14 cơ sở giáo dục đại học chủ chốt về đào tạo giáo viên.

Chú trọng đào tạo nhân lực sư phạm ảnh 2

Trường đại học Đồng Tháp trao học bổng cho sinh viên nhân dịp năm học mới 2024-2025. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Đây là cơ hội để trường nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành sư phạm. Nhà trường đã đề ra giải pháp tổng thể có thể kể từ khâu tuyển sinh đến đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực sư phạm của nhà trường (kể cả việc dự kiến triển khai thực hiện nhiệm vụ khi được phê duyệt quy hoạch cơ sở giáo dục chủ chốt đào tạo giáo viên).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Tháp cho biết: Bên cạnh cải tiến công tác tuyển sinh, trường cũng đã thực hiện đổi mới chương trình đào tạo với việc điều chỉnh liên tục để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt trong các lĩnh vực như tin học và tiếng Anh, nơi nhu cầu giáo viên đang tăng cao.

Trường đẩy mạnh việc ứng dụng bài giảng điện tử và công nghệ vào đào tạo sư phạm để nâng cao kỹ năng sư phạm và giúp sinh viên dễ dàng thích ứng với môi trường giảng dạy hiện đại.

Tăng cường hoạt động gắn kết với trường phổ thông để sinh viên được tiếp cận nhiều, tiếp cận sớm với thực tiễn phổ thông. Từ đó giúp sinh viên ra trường có thể thực hiện ngay nhiệm vụ giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, trường đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất. Hiện, trường thực hiện Chính sách hỗ trợ sinh viên, như: hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên theo đuổi ngành sư phạm mà không gặp quá nhiều khó khăn về tài chính. Trường cũng tham gia nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên cốt cán các cấp theo nhiệm vụ do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.

“Trường Đại học Đồng Tháp luôn xác định kiến tập, thực tập là hoạt động quan trọng hàng đầu trong công tác đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận thực tế, nắm vững nghiệp vụ sư phạm, trau dồi phẩm chất, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Hằng năm, trường liên hệ với các đơn vị Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo để tạo điều kiện cho sinh viên kiến tập, thực tập. Sinh viên kiến tập, thực tập chấp hành tốt các quy định thực tập của nhà trường và của cơ sở thực tập. Sinh viên đều thể hiện sự tiến bộ của bản thân trong quá trình kiến tập, thực tập.

Không chỉ tích lũy được các kỹ năng nghề, sinh viên còn có khả năng phân tích, giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình kiến tập, thực tập và hoàn thành tốt nhiệm vụ kiến tập, thực tập”, Phó Giáo sự, Tiến sĩ Hồ Văn Thống cho biết thêm.

Theo báo cáo thống kê mới đây về tình hình việc làm của sinh viên Trường đại học Đồng Tháp tốt nghiệp năm 2022 cho thấy, trong các ngành đào tạo sư phạm, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm chiếm tỷ lệ cao.

Trong đó, qua khảo sát, có một số ngành như: Sư phạm mỹ thuật, Giáo dục thể chất, sư phạm tiếng Anh… có tỷ lệ có việc làm/tổng số sinh viên phản hồi từ 96,3% đến 100%.

Chú trọng đào tạo nhân lực sư phạm ảnh 3

Học sinh Trường trung học phổ thông Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp trong giờ sinh hoạt ngoại khóa (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Ngành sư phạm giữ vai trò quan trọng bởi trực tiếp đào tạo con người. Do đó, bà Nguyễn Thúy Hà cho rằng, kiến thức chuyên môn, chuyên ngành là quan trọng. Bên cạnh đó, sinh viên, đặc biệt là sinh viên nhóm ngành sư phạm, phải được tăng cường đào tạo những kỹ năng mềm, những chủ trương, đường lối đổi mới của ngành. Sinh viên nhóm ngành này cũng cần có thực tập nhiều hơn để sau này tốt nghiệp có tay nghề trong lĩnh vực sư phạm đạt tốt hơn.

Việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực sư phạm là rất cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên hiện nay. Lâu dài, công tác này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo và nhà trường để giải quyết vấn đề này hiệu quả, căn cơ.