Đòn bẩy từ chính sách an sinh xã hội

Những năm qua, các chính sách an sinh xã hội không ngừng được điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời các đối tượng khó khăn trong xã hội. Đặc biệt, ba loại hình: bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) luôn giữ vai trò trụ cột, giữ bền vững lưới an sinh, bình đẳng về vị trí xã hội của người lao động (NLĐ) trong các thành phần kinh tế, đồng thời thúc đẩy sản xuất phát triển.
Được vay vốn tu sửa tàu, nhiều ngư dân Bình Định đã ra khơi, khai thác thủy, hải sản xa bờ. Ảnh: TTXVN
Được vay vốn tu sửa tàu, nhiều ngư dân Bình Định đã ra khơi, khai thác thủy, hải sản xa bờ. Ảnh: TTXVN

Nguồn vốn chính sách hỗ trợ kịp thời

Cho vay vốn, giải quyết việc làm cho NLĐ là một trong những chính sách an sinh xã hội được các địa phương quan tâm thực hiện. Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã tạo được bước đột phá, hỗ trợ cho đối tượng này. 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, đã có 4,2 triệu lao động (LĐ) vay vốn tạo việc làm. Hơn 1,2 triệu lượt LĐ được doanh nghiệp (DN) vay vốn, trả lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Từng sở hữu 3 chiếc tàu cá, cầm cự qua hai năm Covid-19, đến năm 2022, kinh tế gia đình ông Phan Ngọc Độ (phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) lao đao vì thu nhập từ sản lượng đánh bắt gần như không có, dẫn đến thiếu cả nguồn tiền để chuẩn bị, tu bổ tàu ra khơi. Năm 2023 với 50 triệu đồng vay từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Ông Độ mua thêm ngư lưới cụ để tiếp tục khai thác thủy hải sản xa bờ. Sau mỗi chuyến biển từ 20-25 ngày trở về, bình quân ông thu nhập từ 5-10 triệu đồng. “Khi Ngân hàng Chính sách xã hội có thông báo thì tôi đăng ký. Ngân hàng xem xét, hỗ trợ nguồn vốn để tôi tu bổ tàu thuyền, phục vụ đánh bắt cá. Điều đó làm tôi rất mừng và tự tin vươn khơi đánh bắt. Hiện nay, tôi cũng đã thanh toán hơn một nửa rồi!”, ông Độ chia sẻ.

Là thành viên BCH Nghiệp đoàn Nghề cá phường Tam Quan Bắc, ông Độ còn là tuyên truyền viên tích cực chia sẻ sử dụng nguồn vốn chính sách để tiếp tục vươn khơi cho các thành viên trong nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn nghề cá phường Tam Quan Bắc cũng là cầu nối cho hơn 115 đoàn viên tiếp cận với nguồn vốn chính sách.

Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ kinh doanh, tạo sinh kế, chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, đối tượng là DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ cũng được triển khai. Ông Lý Phước Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư An Phát (Bình Định) cũng cho biết: “Trong ba đợt vay, DN đã được vay hơn 13 tỷ đồng để trả lương cho NLĐ. Đây là đòn bẩy quan trọng giúp DN vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19. Sau thời điểm dịch Covid-19, DN đã dần phục hồi, giữ được khách hàng truyền thống và chiến lược. Đến nay, quy mô của DN đã tăng trưởng từ 1.600 công nhân đến hơn 2.000 công nhân”.

Bà Đặng Thị Hương, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết: “Nguồn vốn chính sách xã hội cộng với các nguồn vốn khác đã giúp cho thị xã giảm được tỷ lệ hộ nghèo. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã chỉ còn 1,02% và có ba xã, phường trên địa bàn thị xã không còn hộ nghèo nữa. Theo kế hoạch xây dựng phấn đấu của UBND thị xã Hoài Nhơn, đến cuối năm 2024 sẽ tiếp tục có thêm 11 xã, phường đăng ký thoát nghèo”.

TS Bùi Phương Đình, Viện trưởng Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá: “Tín dụng chính sách xã hội cùng các loại hình tín dụng khác đã đóng vai trò rất lớn, rất quan trọng để làm bệ đỡ giúp cho người nghèo thoát nghèo bền vững và DN nhỏ giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường tín dụng đen, giải quyết được công ăn việc làm cho NLĐ. Chúng ta thấy được sự ủng hộ của cấp ủy đảng, của hệ thống chính trị, bản thân người dân về vai trò của chính sách xã hội”.

Đòn bẩy từ chính sách an sinh xã hội ảnh 1

Người dân huyện Văn Chấn (Yên Bái) đăng ký khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại Trung tâm Y tế huyện.Ảnh: TTXVN

Phao cứu sinh cho bệnh nhân nghèo

Những năm qua, chính sách BHYT luôn quan tâm đến người tham gia, thụ hưởng. BHYT đã góp phần quan trọng vào chính sách an sinh xã hội, trở thành phao cứu sinh cho những người bệnh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khi phải đi khám, chữa bệnh (KCB).

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146 đã nâng mức hưởng từ 80 lên 100% chi phí KCB BHYT cho một số nhóm đối tượng. Theo đó, NĐ mới có những quy định mang tính đột phá, gỡ được các “nút thắt” vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí KCB BHYT, nhằm tạo thuận lợi cho công tác KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT.

Sinh sống tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, bà Nông Thị Nhính, người dân tộc Tày, thuộc hộ nông dân mới thoát nghèo. Không may, bà mắc viêm đa khớp nặng, lại vừa phẫu thuật u đại tràng nên tốn nhiều chi phí cho việc KCB. Chính nhờ tấm thẻ BHYT mà bà đã không mất tiền KCB hằng tháng. “Tấm thẻ này rất quan trọng vì khi vào viện, tôi được tận tình giúp đỡ, được chữa bệnh, phát thuốc. Đến nay bệnh tình của tôi đã khỏi”, bà Nhính nói.

Mắc bệnh tiểu đường mãn tính, anh Phạm Văn Thủy (xã Chấn Thủy, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cũng phải thường xuyên tới Trung tâm Y tế huyện để thăm khám. Nhờ có BHYT, chi phí KCB đã giảm đi nhiều và từ đó tiếp thêm động lực để anh chiến đấu với bệnh tật. “Hằng tháng, được khám và phát thuốc miễn phí, đặc biệt khi phẫu thuật sẽ giảm chi phí cho gia đình!”, anh Thủy nói.

Tại Trung tâm y tế huyện Văn Chấn, chi phí trung bình cho một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường từ tuổi trung niên cho đến khi 60 tuổi là khoảng 150 triệu đồng. Với thẻ BHYT người bệnh sẽ tiết kiệm một khoản tiền lớn trong KCB. Thậm chí đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì hoàn toàn miễn phí. Ông Đinh Công Thắng, Giám đốc BHXH huyện cho biết: “Khi đi KCB mà không có tấm thẻ này, nhiều người phải bán cả trâu, bò, tài sản. Nay được Nhà nước hỗ trợ, bà con rất phấn khởi và tiếp tục tham gia!”.

Mới đây, bệnh nhân Nguyễn Quốc Trình (SN 2005) quê ở Thanh Hóa, điều trị bệnh hiếm gặp tại bệnh viện (BV) hạng đặc biệt là BV Bạch Mai đã được BHYT chi trả tới gần 800 triệu đồng. Ths, bác sĩ Trần Thị Quyên, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Đây là sự hỗ trợ rất lớn cho bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như Trình. Bố mất sớm, mẹ không có công ăn việc làm ổn định. Ca bệnh hiếm gặp của bệnh nhân Trình được chữa trị thành công, mạng sống của một con người, một chàng trai trẻ được bảo toàn là minh chứng cho ý nghĩa của tấm thẻ BHYT”.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật BHXH sửa đổi, có hiệu lực từ 1/7/2025. Về Luật BHXH mới, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết: Số người tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng hơn so Luật cũ; mở rộng quyền lợi, đặc biệt bổ sung chế độ hưởng thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện và điều chỉnh số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu; các quy định về hưởng BHXH một lần được xây dựng phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn... Các yếu tố trên được kỳ vọng sẽ tăng sức hấp dẫn của chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng, mở rộng độ bao phủ nhằm bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân và NLĐ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.