Hiệu quả mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
Hơn chục năm nay, nông dân Lê Văn Sấm, sinh năm 1958 (ngụ ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) chuyển sang nuôi nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao. Từ diện tích ban đầu chỉ 7ha, đến nay ông đã phát triển mô hình lên gần 50ha, lợi nhuận từ 30 đến 40 tỷ đồng/năm.
Bến Tre là tỉnh đứng thứ 5 về phát triển nuôi tôm nước lợ của cả nước với hơn 36.000ha. Nghề nuôi tôm nước lợ tỉnh Bến Tre phát triển mạnh từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và gần đây nhất là nuôi tôm công nghệ cao. Mặc dù qua nhiều thời gian thăng trầm, nhưng nghề nuôi tôm tỉnh nhà vẫn giữ vững tốc độ phát triển khá bền vững. Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả rất lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre
Ông Sấm cho biết: “Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của tôi được đầu tư nhà lưới, máy tạo oxy, phủ bạt đáy ao, cho ăn tự động… nên hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần so với cách nuôi quảng canh, bán thâm canh như trước đây.
Hiện tại, tôi có 7 khu nuôi ứng dụng công nghệ cao tạo việc làm ổn định cho 50 lao động tại chỗ và khoảng 60 lao động công nhật”.
Gia đình ông Lê Văn Sấm đầu tư máy móc, nhà lưới phát triển hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Gần đây, trang trại ứng dụng công nghệ cao của ông Sấm phối hợp một doanh nghiệp chế biến tôm xây dựng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm) bán với giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, diện tích ban đầu từ 550ha vào năm 2018, đến cuối năm 2024 toàn tỉnh đạt 3.610ha, năng suất bình quân 60-70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu/ha/vụ nuôi. Sản lượng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bến Tre đạt 90.250 tấn/năm chiếm trên 58% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh.
Công nghệ mới về thức ăn, thuốc sinh học đang được ứng dụng trong nuôi tôm công nghệ cao tại Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre Châu Hữu Trị cho biết: “Ngành thủy sản Bến Tre là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, nuôi tôm nước lợ là ngành chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Trong cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh thì nuôi tôm nước lợ chiếm trên 75%. Gần đây, nông dân nuôi tôm nước lợ chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Ưu điểm của mô hình này là đầu tư kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, quản lý”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết: “Bến Tre là tỉnh đứng thứ 5 về phát triển nuôi tôm nước lợ của cả nước với hơn 36.000ha.
Nghề nuôi tôm nước lợ tỉnh Bến Tre phát triển mạnh từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và gần đây nhất là nuôi tôm công nghệ cao.
Mặc dù qua nhiều thời gian thăng trầm, nhưng nghề nuôi tôm tỉnh nhà vẫn giữ vững tốc độ phát triển khá bền vững. Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả rất lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của tôi được đầu tư nhà lưới, máy tạo oxy, phủ bạt đáy ao, cho ăn tự động… nên hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần so với cách nuôi quảng canh, bán thâm canh như trước đây. Hiện tại, tôi có 7 khu nuôi ứng dụng công nghệ cao tạo việc làm ổn định cho 50 lao động tại chỗ và khoảng 60 lao động công nhật.
Lê Văn Sấm, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre
Ao nuôi được đầu tư trong nhà khép kín tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020-2025 là phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao đến năm 2025. Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt phương án phát triển ngành tôm tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Từ đó, làm cơ sở cho việc tích hợp vào phương án Quy hoạch Nông nghiệp trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 góp phần định hướng phát triển nhanh, bền vững đối với nghề tôm nước lợ nói chung và lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nói riêng, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường về sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Xu hướng tất yếu phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ
Tính đến tháng 11/2024 tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước khoảng 730 nghìn ha, tổng sản lượng khoảng 1,103 triệu tấn. Trong 10 tháng đầu năm, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 22.269 ha (chủ yếu là tôm nước lợ), giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất hiện 2 loại bệnh chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy và bệnh đốm trắng.
Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) Đặng Xuân Trường cho biết: “Để nghề nuôi tôm ở Việt Nam phát triển bền vững, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, đòi hỏi sự chung tay hành động của ngành, địa phương, nhà nghiên cứu, người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, cần có các giải pháp căn cơ, bài bản cho cả chuỗi sản xuất tôm, nhất là việc quy hoạch vùng nuôi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, phù hợp trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng an toàn sinh học, giảm phát thải carbon, chất thải rắn, bảo vệ môi trường, kiểm soát lây lan của dịch bệnh...”.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre và Trung ương Hội Nông dân tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả tại huyện Thạnh Phú. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Mới đây, tại tọa đàm về phát triển nuôi tôm bền vững tổ chức ở tỉnh Bến Tre, Tiến sĩ Lê Văn Khoa, giám đốc Kỹ thuật toàn quốc (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grobest Industrial Việt Nam), chia sẻ: “Tình hình chung của nghề nuôi tôm gần đây là dịch bệnh trên diện rộng; chi phí sản xuất tôm tăng cao; sử dụng thức ăn có độ đạm cao làm tăng chi phí, tăng lượng thải hữu cơ gây ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh, tăng lượng chi phí hóa chất…
Để giải quyết vấn đề này cần ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa hiệu suất nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, lựa chọn con giống phù hợp và chương trình dinh dưỡng hiệu quả. Từ đó, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và giảm thải ra môi trường, hướng đến bền vững”.
Nuôi tôm bằng công nghệ tảo gây màu nước được nhiều nông dân ứng dụng. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Công nghệ sinh học đang dần thay thế kháng sinh nhằm giảm dịch bệnh, ô nhiễm môi trường được nhiều hộ nuôi hướng đến. Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Tâm Việt Nguyễn Văn Rí cho rằng: “Để nuôi tôm phát triển bền vững người nuôi cần chuyển từ nuôi sử dụng hóa chất sang sinh học một phần và sinh học toàn phần từ các sản phẩm chiết xuất thảo dược.
Trong đó, công nghệ xử lý nước đầu vào bằng sinh học, nuôi tôm bằng công nghệ tảo, ứng dụng vi sinh... Đồng thời, ứng dụng nhiều loại thảo dược từ thiên nhiên được chọn lọc và phối chế công thức phù hợp với nuôi trồng thủy sản để hướng đến phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ”.
Tình hình chung của nghề nuôi tôm gần đây là dịch bệnh trên diện rộng; chi phí sản xuất tôm tăng cao; sử dụng thức ăn có độ đạm cao làm tăng chi phí, tăng lượng thải hữu cơ gây ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh, tăng lượng chi phí hóa chất… Để giải quyết vấn đề này cần ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa hiệu suất nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, lựa chọn con giống phù hợp và chương trình dinh dưỡng hiệu quả. Từ đó, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và giảm thải ra môi trường, hướng đến bền vững.
Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Giám đốc Kỹ thuật toàn quốc (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grobest Industrial Việt Nam)
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hoàng Văn Hồng cho rằng: Thời gian qua, ngành tôm ở Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ.
Tuy nhiên, gần đây bà con nuôi tôm cũng gặp phải những cái khó khăn, thách thức nhất định. Trong đó, việc phát triển không bền vững, dẫn đến những môi trường nuôi tôm bị ảnh hưởng; tổ chức sản xuất mang tính nhỏ lẻ, chưa bài bản, chi phí đầu vào còn lớn, giá cả gấp bênh…
Thu hoạch tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao hiệu quả tại tỉnh Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Trong thời gian tới, theo khuyến cáo các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học nông dân cần sử dụng các giải pháp về mặt kỹ thuật, sử dụng các công nghệ nuôi, sử dụng các chế phẩm, các công nghệ sinh học, công nghệ cao trong phát triển nuôi tôm bền vững nhằm giảm chi phí sản xuất đầu vào.
Đồng thời, quản lý tốt môi trường nuôi tôm, dịch bệnh. Từ đó, có thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả nhất là ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm phát thải ra môi trường và phát triển bền vững.