Cải thiện môi trường đầu tư, hướng đến nền kinh tế xanh

Cũng như các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, Đồng Tháp hiện đang đứng trước những thách thức lớn về kinh tế - xã hội - môi trường. Việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng, yêu cầu cấp thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ tại Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ tại Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Khảo sát do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai trong năm 2023 cho thấy có tới 72,4% doanh nghiệp vùng Tây Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các khu vực trên cả nước.

Tỉnh Đồng Tháp ít bị ảnh hưởng bởi bão, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều từ triều cường và hạn hán. Biến đổi khí hậu gây tác động bất lợi tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm: Gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động và doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất...

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp vẫn giữ vững được thế mạnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn của vùng Tây Nam Bộ, là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước.

Trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh chú trọng giải quyết lượng phế, phụ phẩm. Cách làm này nhằm nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất chế biến, bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, vừa bảo đảm xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.

Đây cũng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Cải thiện môi trường đầu tư, hướng đến nền kinh tế xanh ảnh 2
Thu hoạch ếch sử dụng quy trình nuôi không kháng sinh tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Tại Đồng Tháp, ngày càng có nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp nông nghiệp và sản xuất, chế biến nông, thủy sản theo định hướng kinh tế xanh, bước đầu đã mang đến nhiều giá trị cho cộng đồng.

Có mặt tại Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA ở ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vào thời điểm thời tiết khá nóng, nhưng tại trang trại này, các loại rau vẫn đang phát triển tốt. Đây là trang trại thực hiện mô hình Aquaponics.

Mô hình này kết hợp giữa Aquaculture - nuôi thủy sản tuần hoàn và Hydroponics - trồng cây thủy canh theo chu kỳ hoàn toàn khép kín. Nước từ bể cá thông qua quá trình nitrat hóa sẽ chuyển chất thải trong bể cá thành dinh dưỡng cho cây trồng sử dụng. Sau đó, nước được lọc sạch bởi giá thể và cây trồng rồi trả về lại bể cá.

Aquabonics ra đời là sự kết hợp hoàn hảo và cho ra quy trình nuôi trồng khắc phục các nhược điểm của mô hình thủy canh và nuôi trồng thủy sản riêng lẻ. Aquaponics là mô hình khép kín, tuần hoàn tận dụng lợi ích của rau và cá trên cơ chế cộng sinh.

Trang trại Aquaponics có diện tích hơn 13.000 m2, nhân sự có 16 người vận hành toàn bộ hệ thống trang trại. Nơi đây trang bị các hồ nuôi cá chình, lươn, cá chạch; trồng hàng chục loại rau, nhiều nhất là tía tô, cần tây, diếp cá, thu hoạch mỗi ngày hơn 100kg rau.

Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua Nguyễn Tiến Thành cho biết, mong muốn phát triển mô hình nhằm mang lại lợi ích bảo vệ môi trường cho những thế hệ mai sau. Song song đó, mang lại kinh tế bền vững hơn thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, nhất là sẽ mang đến những sản phẩm bền vững hơn, chất lượng hơn cho xã hội.

Cải thiện môi trường đầu tư, hướng đến nền kinh tế xanh ảnh 3
Mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ tại Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng.

“Trong quy hoạch, tỉnh phát triển các khu, cụm công nghiệp mang tính chất phục vụ cho phát triển nông nghiệp. Đối với những ngành nghề kêu gọi đầu tư, tỉnh tập trung cho kỹ thuật cao và giảm phát thải.

Hướng tới, tỉnh gắn kết chương trình xây dựng nông thôn mới phải bảo đảm được sạch và xanh. Phát triển những khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu phải đạt được những tiêu chí xanh, lấy chất lượng sống của người dân và sự phát triển bền vững là chủ đạo trong phát triển tỉnh Đồng Tháp”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết.

Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giúp tỉnh Đồng Tháp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư cả trong và ngoài nước. Điều này đặc biệt quan trọng khi cả nước đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, bảo đảm sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá khá tích cực về công tác giảm thiểu môi trường, rủi ro thiên tai, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường với điểm số trung vị PGI (Chỉ số xanh cấp tỉnh) cao thứ hai trong các khu vực.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp được cơ quan nhà nước hướng dẫn quy định pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích đầu tư xanh chưa cao cũng là bài toán đặt ra cần sớm giải quyết…

Theo Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để hướng tới phát triển bền vững, các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Đồng Tháp cũng cần phải quan tâm hơn vấn đề bảo vệ môi trường. Làm sao để dẫn dắt các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ chuyển đổi sang sản xuất xanh. Đồng thời, triển khai các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Cải thiện môi trường đầu tư, hướng đến nền kinh tế xanh ảnh 4
Tại tỉnh Đồng Tháp ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, những ý tưởng, mô hình trong phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, tổ chức quốc tế.

"Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp thân thiện với môi trường, nông nghiệp xanh là vô cùng cấp bách, đặc biệt với việc xác định kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế toàn vùng", ông Nguyễn Văn Vũ Minh khẳng định...