Theo Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh, kết quả kinh tế của tỉnh sáu tháng đầu năm duy trì đà tăng trưởng khá, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước và dẫn đầu các tỉnh Đông Nam Bộ. Là địa phương nông nghiệp, diện tích gieo trồng vụ lúa đông xuân các tháng qua ước đạt 48.226 ha, tăng 1,13% so với cùng kỳ. Nhờ một số tuyến kênh khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông hoàn thành phát huy hiệu quả tưới tiêu, năng suất lúa bình quân ước 59,41 tạ/ha, tăng 0,55% so cùng kỳ, sản lượng lúa ước đạt 286.508 tấn, tăng 1,69% so cùng kỳ. Gieo trồng vụ lúa hè thu cũng tăng, đến ngày 13/6 đã đạt 47.303 ha, tăng 1,69%. Bên cạnh đó, diện tích gieo trồng cây ngô cũng tăng thêm 376 ha; cây mì (sắn) tăng 1.220 ha; cây mía tăng 476 ha…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết: Sản xuất chăn nuôi tiếp tục xu hướng chuyển biến tích cực. Nhiều dự án đã đầu tư vào chăn nuôi, trong đó, có những dự án quy mô lớn, công nghệ cao, tạo động lực mới góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững trong thời gian tới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Cụ thể, đàn trâu toàn tỉnh hiện có 8.962 con, đàn bò có 97.818 con, đàn lợn thịt ước đạt 329.832 con, tăng 63,94% so với cùng kỳ; đàn gia cầm ước đạt hơn 11 triệu con, tăng 7,36% so cùng kỳ.
Mới đây, tại Tây Ninh diễn ra lễ khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, lễ công bố bảy dự án trọng điểm “Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh”, lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh tại tỉnh Tây Ninh và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal. Dự báo, đàn gia cầm sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Ngoài ra, sản lượng thịt gà hơi sáu tháng ước đạt 31.155 tấn, tăng 12,60% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gà ước đạt 368 triệu quả, tăng 6,62% so cùng kỳ năm 2023. Hiện nay vào đầu mùa mưa, theo kế hoạch năm 2024, trên địa bàn tỉnh trồng mới 707,8 ha rừng tăng 436 ha so năm trước. Sản lượng gỗ khai thác sáu tháng ước 28.000 m3, so với với cùng kỳ tăng 1,49%; sản lượng củi khai thác ước đạt 107.500 ster, so với cùng kỳ tăng 1,48%.
Nhờ tăng trưởng khá, các mục tiêu phát triển xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tại Tây Ninh có nhiều khởi sắc. Tỉnh đã cấp được 17.497 thẻ Bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo quy định, với kinh phí 8.214 triệu đồng; cấp 35.100 thẻ Bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng, với kinh phí là 16.941 triệu đồng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã xây mới và bàn giao 168 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng trị giá hơn 14,55 tỷ đồng. Ngành chức năng của tỉnh đã quan tâm hỗ trợ, tư vấn việc làm cho người lao động, tổ chức hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho 10.884 người; trợ cấp thất nghiệp hằng tháng cho 6.398 người, với số tiền 141.420 triệu đồng.
Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đã thông qua Nghị quyết số 80 quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên; chế độ, chính sách cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo đó, về tiêu chí thành lập và tiêu chí số lượng thành viên cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được quy định như sau: Ấp có dưới 350 hộ gia đình, khu phố có dưới 500 hộ gia đình thành lập một tổ gồm năm thành viên (một tổ trưởng, một tổ phó, ba tổ viên); ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên, khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên thì cứ thêm 100 hộ gia đình được bố trí thêm một tổ viên, nhưng không quá bảy thành viên.
Về mức tiền hỗ trợ cho các thành viên trong tổ, đối với tổ trưởng là 2.160.000 đồng/tháng, tổ phó 1.800.000 đồng/tháng, tổ viên 1.500.000 đồng/tháng. Mức tiền bồi dưỡng được quy định: Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau hoặc làm nhiệm vụ trong ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng 60.000 đồng/người/ngày (hỗ trợ không quá 10 ngày/người/tháng); Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm là 10.000 đồng/người/ngày, tối đa 22 ngày/tháng.