Hiệu quả Dự án môi trường bền vững thành phố Phan Rang-Tháp Chàm

Dự án môi trường bền vững thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) triển khai từ cuối năm 2017 với tổng vốn 97,9 triệu USD, trong đó, vốn ODA 69,5 triệu USD, số còn lại là vốn đối ứng. Tháng 6/2024, dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đô thị gắn với cải thiện môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Hồ điều hòa trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận).
Hồ điều hòa trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Những ngày cuối tháng 9, đi dọc tuyến kênh Ông Cố (đoạn ngang qua địa phận phường Bảo An, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận, chúng tôi có dịp chia sẻ niềm vui của người dân nơi đây khi Dự án môi trường bền vững thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (gọi tắt là dự án) hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 6/2024.

Nhìn tuyến kênh được đầu tư xây dựng kiên cố, hai bên bờ kênh được mở rộng cùng với làm nền đường bê-tông, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng... các phương tiện lưu thông rất an toàn, thuận lợi, chúng tôi cảm nhận được đời sống người dân nơi đây đang được cải thiện rất nhiều. Ông Nguyễn Duy Tân ở khu phố 7, phường Bảo An, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm phấn khởi nói: “Kênh Ông Cố trải qua mấy chục năm sử dụng đã bị bồi lắng, xuống cấp, cho nên thoát nước kém và bị ô nhiễm nhiều, ảnh hưởng cuộc sống và sức khỏe người dân. Nay, môi trường, cảnh quan đã thay đổi nhiều, người dân rất vui khi kênh được đầu tư xây dựng thông thoáng”.

Ba tháng vừa qua, người dân phường Mỹ Bình rất phấn khởi khi chứng kiến kênh Chà Là và Hồ điều hòa trung tâm được đưa vào sử dụng, cơ bản đã giải quyết tốt tình trạng ngập úng cục bộ vào mùa mưa của nhiều năm trước đây, đồng thời, góp phần kết nối giao thông giữa phường Mỹ Bình với các phường lân cận rất thuận lợi. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Mỹ Bình Phan Đăng Hùng chia sẻ: “Trước đây, khu vực này trũng thấp cho nên rất dễ bị ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đời sống của hàng trăm hộ dân cư. Nay, dự án môi trường bền vững hoàn thành, không chỉ chấm dứt tình trạng ngập úng mà còn tạo diện mạo mới cho đô thị”.

Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Quốc Huy cho biết: Dự án có tổng diện tích đất bị thu hồi vĩnh viễn hơn 351.466 m2 với hơn 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như: Chậm được phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ.

Tuy nhiên, với quyết tâm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; các nhà thầu tổ chức thi công cả ngày và đêm, làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ, cho nên dự án về đích đúng tiến độ.

Dự án không chỉ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mà còn xây dựng các công trình thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm một cách đồng bộ. Trước đây, khu vực đìa nuôi tôm gần hồ Đông Hải sản xuất không hiệu quả, người dân bỏ hoang, khiến khu vực này trở thành vùng trũng chứa nước mưa, nước thải của khu dân cư…, tạo thành vũng tù đọng nước bẩn chứa đầy rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nay, được đầu tư hơn 42,8 tỷ đồng để nạo vét, xây kè, làm đường quản lý, công viên cây xanh, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, hồ Đông Hải trở thành hồ điều hòa với không gian rộng lớn vài chục héc-ta, vừa phát huy chức năng điều tiết chống ngập úng cho cả vùng, vừa trở thành nơi sinh hoạt công cộng lý tưởng cho người dân.

Cùng với hệ thống kênh, mương được kiên cố hóa, công trình Nhà máy xử lý nước thải Phan Rang cũng được đầu tư nâng công suất xử lý từ 5.000 m3 lên 7.500 m3/ngày, đêm với quy trình xử lý nước thải sinh học theo tiêu chuẩn quốc gia, xử lý hiệu quả toàn bộ nước thải của thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Chủ tịch thành phố Phan Rang-Tháp Chàm Nguyễn Thành Phú chia sẻ: Dự án môi trường bền vững thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần xây dựng trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Ninh Thuận trở nên xanh, sạch, đẹp, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, hướng đến phát triển thành phố trở thành đô thị thông minh trong tương lai. Dự án không chỉ thích ứng tốt với ứng phó biến đổi khí hậu mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố.