Ổn định thu nhập
Thị xã An Nhơn là một trong những địa phương đi đầu trong việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng đề án phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Trước đây, thị xã có 24 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (nhóm sản xuất, chế biến lương thực-thực phẩm có bảy làng nghề; nhóm đúc và gia công kim loại có 2 làng nghề; nhóm gỗ mỹ nghệ có một làng nghề; nhóm đan lát, gốm, nón lá có chín làng nghề)… Qua quá trình phát triển, đến nay, thị xã có 16 làng nghề còn hoạt động với 2.149 hộ, giải quyết việc làm cho hơn 4.457 lao động, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của các làng nghề bình quân hằng năm hơn 7,5%. Ước tính, giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt hơn 200 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 6,6 triệu đồng/lao động/tháng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, An Nhơn có 46 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (trong đó sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao có 35; sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao có 11 sản phẩm) của 36 chủ thể. Xét về quy định giấy chứng nhận sản phẩm OCOP còn thời hạn, có 41 sản phẩm (trong đó sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao có 32 sản phẩm; sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao có 9 sản phẩm). Đặc biệt, An Nhơn phát triển làng nghề không chạy theo số lượng mà theo thực tế, có sự lựa chọn gắn kết với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, ngoài các làng nghề trồng mai cảnh ở xã Nhơn An thì nghề trồng mai cảnh cũng đang phát triển mạnh ở hai xã Nhơn Phong và Nhơn Hạnh. Nhìn chung, các hộ trồng mai cảnh có thu nhập kinh tế ổn định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống kinh tế-xã hội ở địa phương. Nhờ đó, người trồng mai cảnh đã thể hiện quyết tâm duy trì, mở rộng và phát triển diện tích trồng mai cảnh. Ủy ban nhân dân thị xã An Nhơn cũng đã chỉ đạo Phòng Kinh tế hướng dẫn ủy ban nhân dân các xã khảo sát và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề mới đối với các làng nghề trồng mai cảnh hai xã Nhơn Phong, Nhơn Hạnh.
Thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Quyết định số 2468/QĐ-UBND ngày 9/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân thị xã An Nhơn đã tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, cơ quan, đơn vị và các xã, phường tập trung thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao và Chương trình OCOP liên tục xuyên suốt từ năm 2021 đến nay. Qua báo cáo của các xã và đánh giá dự ước, đến sáu tháng đầu năm 2024, các xã đã đạt được 172/190 tiêu chí, đạt tỷ lệ 90,53%; tương ứng với 710/745 chỉ tiêu, tỷ lệ 95,3%. Trong đó, năm xã đạt cả 19 tiêu chí gồm các xã: Nhơn An, Nhơn Lộc, Nhơn Phong, Nhơn Khánh và Nhơn Tân (xã Nhơn Tân vừa được các sở, ngành thẩm định hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023); các xã còn lại có tỷ lệ đạt tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao gồm các xã: Nhơn Hạnh đạt 12/19; Nhơn Hậu đạt 17/19; Nhơn Mỹ đạt 12/19; Nhơn Phúc đạt 18/19; Nhơn Thọ đạt 18/19 tiêu chí. Theo kế hoạch sáu tháng cuối năm 2024, Ủy ban nhân dân thị xã An Nhơn đặt mục tiêu hai xã Nhơn Hạnh và Nhơn Mỹ tập trung nỗ lực hoàn thành tất cả các tiêu chí, phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Đối với các xã Nhơn An, Nhơn Lộc, Nhơn Khánh và Nhơn Tân trước đó đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao thì tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, để làm điểm nhân rộng cho các xã khác, đồng thời xã Nhơn Tân tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025.
Đồng chí Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã An Nhơn cho biết, địa phương sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và mỗi xã một sản phẩm OCOP, thời gian tới mới nâng cao, phát triển cơ sở hạ tầng, bê-tông hóa đường giao thông. Đồng thời, xã sẽ phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, đặc biệt mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác gắn với phát triển chương trình OCOP.
Hiện nay, xu hướng sản phẩm OCOP gắn với mô hình du lịch cộng đồng ngày càng phát triển theo hướng tích cực. Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương tại An Nhơn đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn. Đặc biệt là việc bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống, từ đó hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ”, chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền tại các xã, phường làng nghề truyền thống như: Nhơn Lộc, Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Thành… Đây là điểm thuận lợi để An Nhơn tập trung đầu tư cho các làng nghề gắn với chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025, qua đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn ■