Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 (Nghị quyết 136) của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng vừa được thông qua, dành riêng 1 điều (Điều 13) với 10 khoản, để quy định về các chính sách liên quan việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đây là cú huých rất lớn cho thành phố trọng điểm miền trung trong hành trình phát triển mới.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng dự kiến thành lập vào năm 2025 gắn với Cảng biển Liên Chiểu.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng dự kiến thành lập vào năm 2025 gắn với Cảng biển Liên Chiểu.

Năm 2025, sẽ thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Sau hơn hai tháng Quốc hội thông qua Nghị quyết 136, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã bắt tay thực hiện đồng loạt các giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách, sẵn sàng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng vào năm 2025. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước được thí điểm thành lập mô hình này.

Nghị quyết 136 đã quyết nghị thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Khu thương mại tự do là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng có các khu chức năng được quy định tại quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại-dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. Các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật. Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng với khu vực bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu…

Về thẩm quyền, Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố trong ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng bảo đảm đồng bộ sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện như đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư. Thu hồi đất để xây dựng các hạng mục, công trình để hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng được thực hiện theo quy định tại Điều 79 của Luật Đất đai…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, cho biết: Đây là cú huých, động lực mới để thành phố phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai. Với cơ chế, chính sách đặc thù mới này, đặc biệt là Khu thương mại tự do, chúng tôi rất kỳ vọng vào sự đầu tư của nhiều nhà đầu tư chiến lược vào thành phố Đà Nẵng.

Đến ngày 1/1/2025, thành phố Đà Nẵng phải trình lên Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Khu thương mại tự do và các chính sách đi kèm. Hiện Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành gần 30 nghị quyết về quy trình, thủ tục, thẩm quyền giao Ủy ban nhân dân, các quận, huyện, sở, ngành liên quan đến Khu thương mại tự do.

Khơi thông nhiều nguồn lực

Các chuyên gia nhận định, việc chọn thành phố Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do sẽ có tác động quan trọng tới du lịch-ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng, từ đó lan tỏa tới các lĩnh vực liên quan, đặc biệt thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mạnh. Với những lợi thế và dư địa hiện còn, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo thêm sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, đầu tư, tạo ra sự hấp dẫn quốc tế, kích thích được du lịch tầm cao, du lịch quốc tế, tạo thêm các động lực mạnh cho sự phát triển kinh tế-xã hội không chỉ riêng Đà Nẵng mà còn cho các tỉnh, thành phố trong khu vực. Tuy nhiên, vì đây là thí điểm đầu tiên, cho nên việc triển khai để thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng hiện đang còn nhiều vấn đề địa phương phải chuẩn bị kỹ. Trong đó, để xây dựng chính sách dành riêng cho Khu thương mại tự do là một thách thức lớn. Các chuyên gia cho rằng chính sách cần được nghiên cứu, ban hành phù hợp và có sức cạnh tranh để nhà đầu tư lựa chọn.

Hiện Đà Nẵng đang gấp rút hoàn thiện đề án thành lập Khu thương mại tự do. Theo đề xuất, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ có ba phân khu là phân khu logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu, phân khu sản xuất gắn với khu công nghệ cao và phân khu dịch vụ thương mại. Giám đốc Sở Công thương thành phố Lê Thị Kim Phương cho biết, Sở đã trình duyệt bốn vị trí dự kiến được đề xuất để xem xét, cho ý kiến. Cụ thể, vị trí 1 dự kiến hình thành khu logistics và sản xuất khoảng 536 ha nằm phía tây đường tránh nam hầm Hải Vân đến hết thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Vị trí thứ 2 dự kiến hình thành khu sản xuất rộng khoảng 538 ha tại khu vực khu công nghệ cao mở rộng, thuộc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Vị trí thứ 3 dự kiến hình thành khu thương mại dịch vụ khoảng 132 ha, tại khu vực này được định hướng là khu phi thuế quan, thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Vị trí thứ 4 đề xuất lấn biển, cách bờ biển dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành (vị trí này chưa được định hướng trong quy hoạch xây dựng). Hiện chính quyền thành phố Đà Nẵng đang triển khai lấy ý kiến về bốn vị trí này để đề xuất thành lập các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu.

Đà Nẵng sẽ triển khai xây dựng một chuỗi giải pháp tổng thể và đồng bộ, bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, cũng như thúc đẩy các chính sách ưu đãi hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư. Đà Nẵng sẽ tiến hành các hoạt động xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư. Nhà đầu tư đầu tư vào Khu thương mại tự do sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách như chính sách đầu tư vào khu kinh tế và khu phi thuế quan; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, tiềm năng đầu tư của Khu thương mại tự do đến với các đối tác quốc tế ■

Từ đầu năm đến hết ngày 30/7, Đà Nẵng đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 29,835 triệu USD, tăng 8,18% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, có 44 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới là 24,106 triệu USD, tăng 131,19% so với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 có 71 dự án cấp mới, với vốn đăng ký là 10,427 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn thành phố có 777 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 255,14 nghìn tỷ đồng, trong đó, có 378 dự án ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 220,67 nghìn tỷ đồng; 399 dự án trong khu công nghiệp với vốn đầu tư hơn 34,46 nghìn tỷ đồng; 1.012 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4,35 tỷ USD.