Thôn Bắc Yến, xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn đã bàn giao 87% diện tích để thực hiện dự án trọng điểm quốc gia, chỉ còn 20 ha đất tự nhiên, 265 hộ, 885 nhân khẩu, tụ cư ngoài tường rào phía bắc khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Ông Lê Văn Sơn lấy vợ người xã Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn và gia đình ông sớm bàn giao 6 sào ruộng cho chủ đầu tư, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, đưa nhà máy lọc hóa dầu vào hoạt động.
Hiện thôn cách công sở xã Hải Yến tới 12 km và các thành viên trong gia đình ông nhất trí với chủ trương sáp nhập dân số, diện tích còn lại của thôn Bắc Yến vào xã Tĩnh Hải.
Ðầu thế kỷ này, phần lớn các hộ dân xã Hải Yến đã chuyển lên mặt bằng tái định cư ở phường Nguyên Bình để thực hiện dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Khu tái định cư được kiến thiết theo tiêu chí đô thị, kết nối với cơ sở vật chất hạ tầng cùng 10 tổ dân phố ở phường Nguyên Bình hợp thành đô thị mới khang trang, sầm uất.
Giải thể xã Hải Yến, nhập khu tái định cư cùng 4.471 nhân khẩu vào phường Nguyên Bình làm tăng quy mô dân số, tỷ lệ đô thị hóa, khả năng huy động, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Ðẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa sắp xếp đơn vị hành chính, cử tri các phường, xã liên quan ở thị xã Nghi Sơn thống nhất cao việc giải thể xã Hải Yến, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số các phường: Mai Lâm, Tĩnh Hải, Hải Thượng, Nguyên Bình. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Nghi Sơn Mai Sỹ Lân, điều chỉnh địa giới hành chính các phường bảo đảm sắp xếp dân cư theo quy hoạch, quản lý tốt hơn, giảm một đơn vị hành chính cấp xã, tinh gọn bộ máy, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội, đô thị đồng bộ, thúc đẩy đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển thị xã, Khu kinh tế Nghi Sơn.
Giai đoạn 2023-2025, Thanh Hóa triển khai sắp xếp một đơn vị hành chính cấp huyện, 12 cấp xã, thành lập bốn phường và hai thị trấn. Phường Phú Sơn và phường Tân Sơn ở thành phố Thanh Hóa có địa chính trị, kinh tế, văn hóa tương đồng, trình độ dân trí cao và cán bộ, nhân dân đồng thuận, kiến nghị sáp nhập hai phường thành một, bảo đảm diện tích, quy mô dân số lớn, tạo vị thế, động lực nội sinh, mở rộng không gian phát triển.
Bí thư Ðảng ủy phường Phú Sơn Mai Văn Xuân chia sẻ: Cầu vượt đường sắt trên đại lộ đông-tây đang thi công, đại lộ Lê Lợi được mở rộng, kết nối với cao tốc bắc-nam, đường Nghi Sơn-Cảng hàng không Thọ Xuân, phát huy hiệu quả mạng lưới giao thông, tạo các trục cảnh quan, kiến trúc, khai thác lợi thế trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khu vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái hồ Ðồng Chiệc.
Phương án sáp nhập phường Phú Sơn và phường Tân Sơn tạo quỹ thời gian chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở, gắn với kiện toàn các chức danh chính quyền và tài sản công được tính toán, sử dụng hợp lý.
Tại huyện Ðông Sơn, 99,98% số cử tri đồng ý sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của huyện vào thành phố Thanh Hóa. Cử tri kiến nghị tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân điều chỉnh thông tin, thực hiện các giao dịch liên quan sau sáp nhập, đặt tên Ðông Sơn cho công trình xứng tầm.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðông Sơn Lê Trọng Thụ khẳng định: Triển khai toàn diện đề án sắp xếp đơn vị hành chính song địa phương vẫn duy trì tốt các phong trào thi đua, bảo đảm tiến độ, kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm kỳ.
Hiện Ðông Sơn có 5 xã, 189 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hai đơn vị hành chính đạt tiêu chí phường. Các trường học đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó 23 trường học đạt chuẩn mức độ 2. Ðảng bộ huyện sáu năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025 tiếp tục cụ thể hóa phương án phát triển đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố Thanh Hóa đang triển khai xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao trên diện tích 630 ha, nhiều công trình kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm. Sáp nhập huyện Ðông Sơn vào thành phố Thanh Hóa tạo thế và lực mới, mở rộng không gian phát triển, xây dựng tỉnh lỵ Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, có bản sắc; phù hợp truyền thống lịch sử, văn hóa Ðồng bằng sông Mã và văn hóa Ðông Sơn, quy hoạch và phân loại đô thị đã được phê duyệt, công nhận, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới.
Thanh Hóa đã hoàn chỉnh hồ sơ, các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trình cấp có thẩm quyền quyết định, trong đó có đề án thành lập thị trấn Hà Long, thị trấn Hà Lĩnh, thuộc huyện Hà Trung và tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đã đạt 39,43%.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Giang Nam nhấn mạnh: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã góp phần tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; phù hợp tình hình thực tế địa phương, các quy hoạch, định hướng, chương trình phát triển đô thị; mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực đất đai, lao động, phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.