Theo Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) cũng là tiêu chí để các nhà đầu tư nhìn nhận, xem xét khi tìm hiểu đầu tư vào thành phố. Với những ý nghĩa đó, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã quán triệt đến từng cơ quan, đơn vị và địa phương về vai trò của công tác cải cách hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao.
Kết quả PAR INDEX 2023 cho thấy, Đà Nẵng xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng điểm số đạt 88,68%. So với năm 2022, thành phố tăng 1,14 điểm trên tổng điểm số, nhưng giảm 7 bậc trên bảng xếp hạng; xếp vị trí thứ 3 trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (gồm 14 tỉnh, thành phố) trong công tác cải cách hành chính.
Đáng chú ý, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) của Đà Nẵng tiếp tục cao hơn năm trước, đạt 83,38% và xếp thứ 22 cấp tỉnh, tăng 12 bậc so với năm 2022. Tại Hội nghị công bố kết quả đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính và văn thư, lưu trữ năm 2023; phân tích chỉ số PAR INDEX, SIPAS của Bộ Nội vụ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng Trần Trung Sơn đánh giá, trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm mới, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành; kịp thời cụ thể hóa và triển khai đồng bộ những chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong cải cách hành chính.
Theo đó, điểm bình quân kết quả xếp hạng cải cách hành chính năm 2023 của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều tăng so với năm 2022; số lượng các cơ quan, đơn vị xếp loại xuất sắc và tốt chiếm tỷ lệ lớn trong kết quả đánh giá, xếp hạng của thành phố. “Mặc dù giảm thứ bậc, nhưng việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn thành phố trong năm 2023 đã được ghi nhận và đánh giá cao”, ông Sơn chia sẻ.
Những thành tích trên không chỉ nhờ những bước chuyển biến căn bản, rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành mà còn nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cải cách hành chính. Hầu hết các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đều nỗ lực triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, hướng đến thành phố thông minh; qua đó, đạt được nhiều kết quả trong nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công.
Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Đà Nẵng Mai Phước Thành cho biết: “Việc đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến và thực hiện các tiện ích được gia tăng để hỗ trợ cho người sử dụng đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách ngày càng cảm nhận được hiệu quả, cũng như thuận lợi không có khoảng cách về không gian, thời gian khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước”.
Trong nỗ lực và quyết tâm cải cách hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại, hướng đến nền hành chính phục vụ của thành phố, dù đạt được những kết quả tích cực, Đà Nẵng vẫn giảm thứ bậc trên bảng xếp hạng PAR INDEX. Thực tế cho thấy, công tác cải cách hành chính tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; ngoài thứ hạng chỉ số cải cách hành chính, một số chỉ số quan trọng như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố trong những năm gần đây có chiều hướng giảm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng Trần Trung Sơn, một số nội dung mất điểm trong chỉ số PAR INDEX qua các năm xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, việc triển khai những giải pháp khắc phục những điểm yếu trong các năm vẫn chưa triệt để; đồng thời, công tác thông tin những kết quả thành phố đạt được về cải cách hành chính trong năm đến các nhóm đối tượng được khảo sát chưa bảo đảm tính phổ biến, dẫn đến việc nắm bắt thông tin để làm cơ sở đánh giá của các nhóm điều tra xã hội học chưa sát với những kết quả thành phố đã đạt được.
“Kết quả PAR INDEX 2023 của thành phố Đà Nẵng cho thấy yêu cầu ngày càng cao trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Đồng thời, cũng cần phải nỗ lực hơn trong việc thực hiện cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số đáp ứng xu thế chung, đặc biệt là nhu cầu của người dân và doanh nghiệp về nâng cao chất lượng dịch vụ các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố ngày càng cao”, ông Sơn chia sẻ.
Nhìn chung, điểm nhấn của công tác cải cách hành chính trong năm 2023 tại thành phố Đà Nẵng là những cảm nhận, đánh giá tích cực của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, chỉ số mức độ hài lòng của người dân là kết quả rất tích cực, cần tiếp tục được phát huy. Tuy nhiên về tổng thể, thành phố cần phải có những thay đổi tích cực hơn, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế, nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục, nỗ lực cải thiện thứ bậc xếp hạng cải cách hành chính.