Toàn huyện Nam Giang có 1.400 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã, thị trấn. Trong đó, người dân tộc thiểu số là 846 người, chiếm 58%; cán bộ công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số 239 người, chiếm tỷ lệ 96%; cấp huyện 73 người, chiếm tỷ lệ 38,6%. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, năng lực lãnh đạo, quản lý không ngừng nâng lên.
Tăng cường đào tạo, luân chuyển cán bộ
Bên cạnh những ưu thế, nỗ lực của đội ngũ cán bộ huyện miền núi, biên giới Nam Giang, thực tiễn cơ sở cho thấy, năng lực lãnh đạo, vai trò tiên phong của một số cán bộ, công chức chưa cao; một số xã còn lúng túng trong cụ thể hóa chương trình phát triển kinh tế ở địa phương; công tác vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, giải tỏa đền bù, khiếu kiện đất đai còn hạn chế. Huyện biên giới Nam Giang có gần 80% số dân là người dân tộc thiểu số, với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm 58%. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, khả năng xử lý tình huống phát sinh tại cơ sở, kỹ năng hành chính còn hạn chế, năng lực và hiệu quả làm việc còn thấp.
Xã miền núi Đắc Pring, huyện Nam Giang có 4 thôn, với 318 hộ, hơn 1.300 nhân khẩu. Trong nhiều năm liền, địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của cấp trên, chưa mạnh dạn đầu tư về phát triển kinh tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tăng..., đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đồng chí A Lăng Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắc Pring cho biết: Để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống, an sinh cơ bản cho nhân dân, thời gian qua, chính quyền địa phương củng cố tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các chương trình khuyến khích phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm ở các thôn, hộ gia đình được đẩy mạnh; các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng xã nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện. Trước thực tế vẫn còn một số cán bộ chưa tiếp cận được công tác quản lý văn bản và xử lý văn bản trên Q-Office, thủ tục hành chính trên cổng Dịch vụ công xã Đắc Pring tăng cường tập huấn, đào tạo cập nhật kiến thức, ứng dụng mới cho cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu công việc.
Để củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho cán bộ huyện miền núi, Huyện ủy Nam Giang tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, luân chuyển cán bộ bám sát thực tế cơ sở; đồng thời, triển khai luân chuyển, điều động, bố trí sử dụng cán bộ thường xuyên. Từ năm 2023 đến nay, huyện Nam Giang luân chuyển 32 trường hợp cán bộ, công chức các vị trí ở cấp huyện, xã và ban, ngành chuyên môn.
Đồng chí Bh Nướch Hải, Bí thư Đảng ủy xã Chơ Chunn cho hay: “Tôi được luân chuyển từ huyện về xã biên giới hơn ba tháng, tiếp nhận nhiệm vụ mới là cơ hội cho tôi cọ xát, hiểu sâu hơn từ cơ sở và áp dụng công tác chuyên môn, quản lý ngày càng sâu sắc hơn”.
Nhiều giải pháp nâng cao năng lực cán bộ, công chức vùng biên giới
Trước yêu cầu ngày càng cao, huyện Nam Giang chú trọng nâng cao năng lực của cán bộ nhằm giải quyết những khó khăn, yếu kém ở cơ sở như chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, thoát nghèo chưa bền vững; công tác quản lý đất đai, tài nguyên-môi trường còn nhiều bất cập, việc xử lý tranh chấp đất đai chưa được giải quyết dứt điểm; xây dựng nông thôn mới nhiều khó khăn thách thức, nhất là các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, việc làm, giáo dục, y tế...
Huyện Nam Giang đưa ra nhiều giải pháp nâng cao năng lực cán bộ, công chức; chú trọng số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ. Cán bộ, công chức từng bước chuẩn hóa về học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị để đảm đương công tác; từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, bố trí, sắp xếp phù hợp với trình độ chuyên môn. Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ được thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.
Đồng chí A Rất Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Giang chia sẻ: “Cán bộ phụ nữ các cấp đều được bảo đảm trình độ đáp ứng cơ bản nhiệm vụ; tuy nhiên, cần trang bị thêm nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức mới, để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Chúng tôi luôn quan tâm bồi dưỡng, đào tạo về kỹ năng để cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc”.
Nhiều giải pháp nâng cao năng lực cán bộ, công chức vùng biên giới đã giúp cán bộ, công chức rèn luyện qua thực tiễn, giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh từ cơ sở, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý tốt hơn. Theo đồng chí Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang: “Là huyện miền núi, biên giới nên Nam Giang có những thuận lợi và nhiều khó khăn đặc thù. Chúng tôi xác định năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức là điều kiện quan trọng đưa kinh tế-xã hội phát triển hơn nữa. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên rà soát, đánh giá năng lực cán bộ, từ đó đưa ra nhiều giải pháp phù hợp khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo góp phần nâng cao năng lực cán bộ ngày càng tốt hơn ■