Nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ

Từ khi thay đổi cách nghĩ, cách trồng theo hướng phát triển nông nghiệp xanh và được sự hỗ trợ của những chính sách nông nghiệp bền vững, các hợp tác xã cùng nông dân trên địa bàn huyện Hòa Vang (thành phố Ðà Nẵng) đã chuyển đổi những cánh đồng lúa truyền thống thành những cánh đồng lúa hữu cơ màu mỡ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Cấy lúa bằng máy trên cánh đồng Hòa Tiến 1, huyện Hòa Vang (Ðà Nẵng).
Cấy lúa bằng máy trên cánh đồng Hòa Tiến 1, huyện Hòa Vang (Ðà Nẵng).

Là vựa lúa của thành phố Ðà Nẵng, huyện Hòa Vang có tổng diện tích sản xuất lúa hằng năm khoảng 4.400 ha, cho năng suất lúa ổn định ở mức 62 đến 67 tạ/ha và chất lượng ngày càng tăng; riêng năm 2023, năng suất đạt 63,08 tạ/ha. Vì vậy, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái và thân thiện với môi trường của chính quyền thành phố và địa phương.

Tính đến nay, thành phố hình thành được hơn 20 cánh đồng lúa hữu cơ với diện tích khoảng 345 ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Hòa Vang. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang Phan Duy Anh, trước những yêu cầu ngày càng cao của thị trường và ảnh hưởng lớn từ tiến trình đô thị hóa, ngành nông nghiệp đòi hỏi phải tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, thay thế dần tập quán, mô hình sản xuất gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Vì thế, những hạt gạo hữu cơ láng tròn không chỉ là phương hướng để địa phương phát triển kinh tế, mà còn là câu trả lời của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang trước nhu cầu gia tăng thực phẩm sạch của người tiêu dùng.

Trong số cánh đồng lúa hữu cơ huyện Hòa Vang, cánh đồng của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 đang là một trong những diện tích lúa đem lại nhiều kết quả tích cực về năng suất và hiệu quả kinh tế. Theo Giám đốc Hợp tác xã Ngô Văn Sinh, từ khi trồng lúa theo hướng hữu cơ, năng suất và chất lượng lúa của khu vực Hòa Tiến 1 có xu hướng tăng dần và ổn định, trung bình mỗi vụ khoảng 70 tạ/ha. Nhờ đó, mỗi mùa gặt đều có gạo dẻo thơm, tròn mẩy với giá bán cao. Theo nông dân, lúa hữu cơ thường bán với giá cao hơn từ 20-30% so với lúa canh tác thông thường.

Trong năm 2024, Hợp tác xã Hòa Tiến 1 đã tăng thêm 11,5 ha diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng tổng diện tích lên 23,5 ha. Ông Sinh cho biết: “Trong thời đại nông nghiệp số hiện nay việc chuyển đổi sản xuất và canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ là xu thế tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Mỗi hạt gạo giờ đây là kết tinh từ những giọt mồ hôi và tư duy, nhận thức đổi mới của nhà nông, nhằm hướng đến một cuộc sống xanh và bền vững cho mọi nhà. Phát triển mô hình canh tác theo hướng hữu cơ đã giúp những nông dân “chân lấm tay bùn” tiếp cận những phương pháp canh tác lúa thông minh, kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến trong sản xuất lúa, qua đó giúp họ trở thành những nhà nông văn minh, hiện đại.

“Sản xuất theo hướng hữu cơ thì người nông dân phải áp dụng kỹ thuật mạ khay, cấy máy, không được phun thuốc trừ cỏ, chỉ được dùng chế phẩm sinh học được Nhà nước cấp phép để diệt sâu bọ, phân bón phải dùng phân hữu cơ, vi sinh. Hàm lượng tồn dư rất ít, nên bảo đảm được sức khỏe cho người tiêu dùng, cũng như cho chính người nông dân trực tiếp sản xuất”, ông Ngô Văn Sinh chia sẻ.

Thật vậy, môi trường canh tác lúa hữu cơ đang bảo vệ sức khỏe của người nông dân, vì khi sản xuất vô cơ, người nông dân phải phun thuốc cỏ, thuốc trừ sâu, dùng phân bón hóa học gây nên lượng tồn dư hàm lượng chất hóa học và ảnh hưởng đến môi trường đất, gây hậu quả khó lường cho sau này.

Trồng lúa hữu cơ không đơn thuần là sự lựa chọn, mà còn là một quá trình chuyển đổi kiên trì của nông hộ, đòi hỏi sự hỗ trợ và đồng hành sâu sát của chính quyền địa phương, vai trò dẫn dắt tích cực của các hợp tác xã nông nghiệp trong công tác giống, giám sát vùng trồng và đặc biệt là giải quyết đầu ra. Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 Ngô Văn Sinh, trước nhu cầu thị trường còn bấp bênh, trồng lúa hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn về giải quyết đầu ra, kinh doanh và sản xuất.

Vì vậy, hợp tác xã đã chủ động tìm kiếm các đơn vị liên kết như: Trường học, siêu thị... để đưa sản phẩm ra thị trường; thường xuyên tham gia các phiên chợ xúc tiến thương mại, hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP của thành phố; chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu, áp dụng các chính sách hỗ trợ nông nghiệp đã được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt. Trong đó, chính sách nhà nước hỗ trợ 100% giống và phân bón, 50% tiền thuê máy cấy cho ba vụ đầu tiên.

Theo Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Ðà Nẵng, một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là phát triển diện tích trồng lúa hữu cơ đạt hơn 1.000 ha.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho biết, để tạo ra được sản phẩm nông nghiệp an toàn, ngoài việc hạn chế sử dụng các nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc vô cơ và thay thế bằng nguyên liệu hữu cơ, sinh học, còn phải ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất.

“Khoa học và công nghệ làm thay đổi diện mạo và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất làm giảm chi phí nhân công, tăng năng suất, tạo ra các sản phẩm theo đúng mong muốn của người sản xuất để từ đó đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang Phan Duy Anh nhận định.