Chống buôn lậu tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngày càng cam go

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đứng thứ nhất cả nước về số lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu và đứng thứ hai về lưu lượng hành khách xuất, nhập cảnh qua đường hàng không. Do đó, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới tại đây diễn biến phức tạp.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra người và hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Kiểm tra người và hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Chỉ trong tám tháng năm 2023, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) thành phố Hà Nội đã phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 827 vụ vi phạm về vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Cụ thể, Cục Hải quan thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 37 vụ ma túy với 26 đối tượng, thu được 749.079,808 gam ma túy các loại.

Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện bảy vụ, 10 đối tượng buôn lậu, trong đó xử lý hình sự năm vụ, tám bị can buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vi phạm quy định về động vật nguy cấp, quý hiếm… Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội bắt giữ hai vụ việc liên quan đến mặt hàng điện thoại và máy tính bảng đều là hàng đã qua sử dụng, không có phụ kiện vỏ hộp kèm theo…

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường hàng không, chuyển phát nhanh ngày càng tinh vi, phức tạp và liên tục thay đổi phương thức. Phần lớn ma túy thường được cất giấu trong máy móc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng như vách ngăn lò vi sóng, máy pha cà-phê, nồi cơm điện, máy hút bụi, máy lọc không khí...

Nhiều đối tượng giấu ma túy vào ngăn giả các túi xách, bao bì, trong lọ thuốc, thực phẩm chức năng, bánh kẹo, mỹ phẩm… hoặc cất giấu trong lô hàng bọc chì chung quanh và rắc ớt bột… nhằm đối phó với sự kiểm tra của máy soi và chó nghiệp vụ hải quan.

Bên cạnh đó, các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn thông qua các nền tảng điện tử xuyên biên giới, rồi vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh. Ðể hợp thức hóa hàng lậu, các đối tượng không khai báo, hoặc khai báo hải quan không đúng với thực tế lô hàng hoặc nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn…

Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm một thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, đó là vận chuyển hàng hóa có giá trị lớn từ nước ngoài vào Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài bằng hình thức tạm nhập tái xuất. Trong quá trình chờ xuất đi nước thứ ba, các đối tượng đã tráo đổi hàng hóa mà không làm hư hỏng hiện trạng kẹp chì hải quan, hòng buôn lậu hàng giá trị cao.

Nắm bắt tình hình này, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ban Chỉ đạo 389 thành phố đề nghị, các lực lượng chức năng của thành phố và Trung ương thường xuyên phối hợp, chia sẻ thông tin, nắm tình hình, kịp thời phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trong đó, cần kịp thời phát hiện các ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, xử lý triệt để, không để hình thành các tổ chức, đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn thành phố. Riêng với hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy, các đơn vị cần thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về các thủ đoạn, đường đi, các chất ma túy mới… để nâng cao kỹ năng phát hiện và đấu tranh phòng chống ma túy cho cán bộ thực thi; nhận bàn giao tang chứng, vật chứng đối với các lô hàng có chứa ma túy đang tạm giữ theo quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa; thường xuyên giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ để phát hiện và phòng ngừa tiêu cực. Mỗi cán bộ thông qua công tác đấu tranh thực tế, phát hiện những sơ hở, bất cập của chính sách pháp luật bị các đối tượng phạm tội lợi dụng, từ đó kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật.