Cần đề cao vai trò của chủ thể văn hóa

Các cấp ủy, chính quyền, ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều cố gắng trong việc níu giữ phần nào những giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một. Những ngày hội, liên hoan văn hóa được tổ chức từ khu vực đến cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00

Thế nhưng, ở các ngày hội này tính hình thức là chủ yếu, hội tan ai về nhà nấy, nhạc cụ gác lên vách và trang phục thì cất vào rương. Các lễ hội truyền thống được phục dựng, như lễ cúng bến nước của người Ê Ðê, lễ đưa lúa về kho của người Cơ Ho, lễ cúng ruộng của người Chu Ru…, nhưng ở các lễ hội này chủ yếu mang tính chất "vui vẻ là chính" còn tính thiêng đã nhạt. Các làng nghề được đầu tư khôi phục như làng gốm Dơng Bắc (Ðắk Lắk), làng dệt thổ cẩm B’Neur C (Lâm Ðồng) và Glar (Gia Lai)…, tất cả các làng nghề đều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Sau ngày được UNESCO công nhận, cồng chiêng Tây Nguyên được quan tâm hơn, nhiều dự án, chương trình được tổ chức, nhiều lớp truyền dạy được mở. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng "đánh chiêng bỏ dùi". Cồng chiêng chưa có đường trở về với không gian thật sự của nó, hòa mình máu thịt giữa đời sống cộng đồng, nơi nó được sinh ra, đã sống, đã thăng hoa…

Mỗi tộc người là một chủ thể của một nền văn hóa, bởi vậy không ai có thể làm tốt hơn họ trong việc gìn giữ di sản mà tổ tiên trao truyền. Bản sắc của mỗi dân tộc là vốn quý, là niềm tự hào, là hình ảnh mà họ khẳng định với cộng đồng về lịch sử sinh tồn và nét tinh hoa của dân tộc mình. Có một thực tế hiện nay là nhiều cư dân trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đang hời hợt hoặc quay lưng lại với chính những giá trị văn hóa tộc người. Một bộ phận lớp trẻ còn tỏ ra tự ti, mặc cảm về những sự "khác biệt". Chúng tôi đã nhiều dịp trao đổi với những người dân tộc thiểu số có uy tín và họ đều có chung tâm trạng lo lắng về thực tế nêu trên. Họ chia sẻ rằng, khi đồng bào xa rời cồng chiêng, quên kể sử thi, quên lời hát, điệu múa ông bà trao truyền và từ chối trang phục truyền thống… của dân tộc mình thì các tộc người khác khó "giữ thay" cho họ.

Nếu mỗi tộc người không có niềm tự hào, ý thức tôn trọng những di sản quý báu của cha ông thì khoan hãy trách cứ các cộng đồng khác thiếu quan tâm, sẻ chia và đồng cảm với mình! Vì vậy, trước hết cần xây dựng và củng cố niềm tự hào, tự tôn, khơi gợi năng lực nội sinh trong sự nghiệp bảo tồn văn hóa ngay từ trong cộng đồng, nhất là lớp trẻ. Bản lĩnh, bản sắc văn hóa của mỗi tộc người là những kháng thể để đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực nảy sinh…