Triển khai thực hiện tốt nhất Chương trình mục tiêu quốc gia
Trao đổi bên lề phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk) cho biết, trong phiên chất vấn, đại biểu đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về một số khó khăn, vướng mắc liên quan việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có tỉnh Đắk Lắk cũng như các địa phương khác.
Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk). (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Nhận xét phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã rất sâu sát và có hướng dẫn cụ thể, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm bày tỏ hài lòng với những câu trả lời của Bộ trưởng.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu cho biết địa phương cũng có những văn bản gửi đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc để có hướng dẫn cụ thể cho tỉnh.
Đại biểu bày tỏ hy vọng, thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục ban hành hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện tốt nhất các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đánh giá về sự phối hợp trong thực hiện các chính sách dân tộc, theo đại biểu, các bộ, ngành, địa phương đã có sự phối hợp rất chặt chẽ. Mặc dù trong quá trình thực hiện có gặp những khó khăn, vướng mắc, nhưng các đơn vị, địa phương cũng đã cố gắng hết sức để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Theo đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm, Chương trình mục tiêu quốc gia mà Ủy ban Dân tộc đang triển khai là một chương trình mới và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện ở các địa phương, trong đó có cả tỉnh Đắk Lắk.
Tăng tốc, tạo chuyển biến căn bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số
Trong quá trình triển khai thực hiện, Ủy ban Dân tộc cũng có những hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn lúng túng, nên trong quá trình triển khai cũng từng bước vừa thực hiện, vừa có những điều chỉnh cho phù hợp thực tế, qua đó có những chính sách cụ thể, sâu sát hơn.
Nhận xét về phiên chất vấn nhóm vấn đề dân tộc, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết, những câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã phản ánh những tâm tư cũng như những ý kiến, vấn đề mà cử tri và nhân dân gửi gắm qua tiếp xúc cử tri, trong đó có những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình). (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Theo đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề mà hiện nay cử tri và các địa phương quan tâm, đó là việc ban hành những văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đến thời điểm này, cơ bản các hướng dẫn cũng đã được triển khai, trong khi nguồn lực để phân bổ cho các tỉnh cũng đã được thực hiện để gấp rút triển khai, bảo đảm hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Để việc thực hiện hiệu quả và chất lượng, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, rất cần có sự lồng ghép để tránh việc các nội dung, dự án triển khai nhỏ lẻ không đạt hiệu quả.
Đại biểu bày tỏ mong muốn Ủy ban Dân tộc cũng như các bộ, ngành sẽ phối hợp để ban hành các văn bản hướng dẫn, giúp quá trình tổ chức triển khai có thể lồng ghép được các nội dung vào để tăng hiệu quả.
Xây dựng các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có trọng tâm, trọng điểm
Đại biểu cũng kỳ vọng các Chương trình mục tiêu sẽ đi vào thực tế và đối tượng được thụ hưởng trực tiếp sẽ là người dân ở những vùng kinh tế, điều kiện còn khó khăn, giúp họ được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách một cách hiệu quả và có chất lượng.
Các tỉnh đã rất chủ động triển khai khi có hướng dẫn từ Trung ương, nhất là trong việc phân bổ nguồn lực, triển khai thực hiện. Làm thế nào để bảo đảm nguồn lực, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân? Theo đại biểu, đây cũng là những nội dung mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã trả lời và đưa ra những giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới.
“Tôi mong rằng những gì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã hứa sẽ sớm đi vào hiện thực và những giải pháp đưa ra cần gắn với thực tế, gắn với những khó khăn từ cơ sở. Tôi cũng hy vọng ở các nơi mà quá trình triển khai còn đang khó thì trên cơ sở những nội dung mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm trả lời, các nút thắt này sẽ được tháo gỡ để giúp các tỉnh triển khai hiệu quả, đồng bộ và thống nhất Chương trình mục tiêu quốc gia”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.
Cụ thể hóa các cam kết, mục tiêu
Đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội). (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Đánh giá về phiên chất vấn nhóm vấn đề dân tộc, đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) cho rằng, những kết quả đã triển khai cùng các vấn đề khó khăn, vướng mắc đang gặp phải và những phương hướng, giải pháp khắc phục trong thời gian tới đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc trả lời khá rõ.
Tuy nhiên, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng bày tỏ mong muốn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cần chỉ rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và các giải pháp trong thời gian vừa qua đã thực sự có hiệu quả hay chưa?
Theo đại biểu Lê Nhật Thành, những cam kết, mục tiêu trong thời gian tới cần phải được cụ thể hóa và có sự chỉ đạo quyết liệt để thực hiện hiệu quả.
“Tôi cho rằng cần phải quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là phải xác định được trách nhiệm của các bộ, ngành, các cơ quan liên quan và các địa phương trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó là cần những giải pháp hết sức cụ thể, thậm chí là có những vấn đề cần phải xuống trực tiếp để tháo gỡ cho địa phương”, đại biểu Lê Nhật Thành kiến nghị.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh). (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Nêu vấn đề liên quan các chính sách dân tộc hiện nay tản mát và nhiều tầng lớp chồng chéo, đặc biệt nguồn lực bị phân tán, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho biết, với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã nhìn nhận được vấn đề, bản chất của chính sách dân tộc hiện nay và có hướng rất kịp thời để rà soát lại.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng việc rà soát lại tất cả các chính sách dân tộc và có thể sắp xếp lại một cách hệ thống để thay đổi phương thức tiếp cận chính sách mới là rất khó.
“Cho nên tôi cũng đang chờ đợi và kỳ vọng vào đề án được Chính phủ thông qua và cũng sẽ tiếp tục theo dõi đề án này để tiếp tục có những ý kiến liên quan vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc”, đại biểu tỉnh Tây Ninh cho biết.