Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

NDO - Sáng 28/10, tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã giải trình, làm rõ băn khoăn của đại biểu Quốc hội liên quan đến một số chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tiến độ giải ngân vốn các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên họp sáng 28/10. (Ảnh: DUY LINH)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên họp sáng 28/10. (Ảnh: DUY LINH)

Mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian thực hiện các chính sách

Ông Hầu A Lềnh cho biết, Nghị quyết số 88 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã đề ra 8 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ xây dựng tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Quyết định 33 quy định tiêu chí 3 khu vực theo trình độ phát triển. Ủy ban dân tộc đã phối hợp 51 địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số rà soát và đối chiếu với các tiêu chí tại Quyết định 33 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861 phê duyệt các xã, khu vực III, khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định 612 phê duyệt các thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, và các xã, các thôn khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Quyết định 861, tổng số xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 giảm 406 xã so với giai đoạn 2016-2020 còn 1.551 xã. Theo Quyết định 612, tổng số thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 giảm 6.954 thôn so với giai đoạn 2016-2020 còn 13.222 thôn.

Sau khi có 2 quyết định trên, các xã và thôn không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn không tiếp tục được hưởng các chính sách đã được ban hành, được quy định cho các đối tượng nằm tại các xã đặc biệt khó khăn.

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Các đại biểu dự phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội sáng 28/10. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu Hà Minh Đức (đoàn Lào Cai) cho rằng, một số xã có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn nay đã chuyển thành địa bàn xã có điều kiện kinh tế bước đầu phát triển do hoàn thành xây dựng nông thôn mới, dẫn đến nguồn lực của Nhà nước để đầu tư cho các xã này bị cắt giảm, ảnh hưởng đến thoát nghèo bền vững đối với các khu vực này.

“Dù không còn nằm trong khu vực khó khăn nhưng nhiều hộ dân tại các xã này lại gặp rất nhiều những khó khăn ở các chính sách hỗ trợ được hưởng trước đây bị cắt bỏ, như việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, chính sách phát triển giáo dục, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” – đại biểu cho biết.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, cơ bản các chính sách ban hành giai đoạn trước khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia đã được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên qua quá trình rà soát, còn 12 chính sách do các bộ, ngành quản lý do khó áp dụng cho các đối tượng nằm tại địa bàn xã đặc biệt khó khăn hiện nay không được tiếp tục hưởng ở tại 406 xã và hơn 6.000 thôn.

Cụ thể, có 2,6 triệu người thôi hưởng các chính sách bảo hiểm y tế; 406 xã và 2.354 thôn thôi được hưởng chính sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; 700 nghìn học sinh thôi hưởng chính sách về giáo dục…

Ông Hầu A Lềnh cho biết, sau khi rà soát và đối chiếu với các quy định, trước tình hình dịch bệnh năm 2021, ở các xã đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn vẫn còn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Qua ý kiến đệ trình của các địa phương, Ủy ban Dân tộc đã thống nhất các bộ, ban ngành báo cáo thủ tướng đề xuất sửa đổi bổ sung các chính sách nêu trên.

Theo đó, sau khi Ủy ban Dân tộc có tờ trình trình Chính phủ ngày 20/10/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có Văn bản ngày 30/10/2021 giao các bộ, ngành liên quan rà soát điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các chính sách nêu trên theo hướng mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian thực hiện các chính sách đối với các đối tượng ở các địa bàn không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn theo thời gian phù hợp với từng chính sách.

Phân bổ vốn kịp thời, đầy đủ để triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Thị Đôi (đoàn Sơn La) nêu thực trạng tiến độ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, rất chậm, đến hết tháng 9/2022 mới đạt 2,86% so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, đến nay vẫn còn thiếu nhiều văn bản của các bộ, ngành để hướng dẫn địa phương thực hiện.

Đại biểu cho rằng, việc chậm ban hành các văn bản quy định hướng dẫn và chậm phân bổ vốn cho các chương trình đã tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, người yếu thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Liên quan nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, có nhiều nguyên nhiên khiến tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu tính đến thời điểm hiện tại.

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Về nguyên nhân khách quan, Chương trình mục tiêu là chương trình mới, nhiều đối tượng, nhiều dự án nhỏ lẻ, manh mún; quy trình, thủ tục theo các quy định của pháp luật cũng phức tạp; trong quá trình thực hiện đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương. Từ lúc xây dựng kế hoạch, xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đến khi trình Chính phủ, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có cơ sở phân bổ vốn, phải mất thời gian rất dài.

Ngoài ra, chương trình có nhiều dự án, nhiều ngành quản lý, địa bàn rộng với đối tượng rộng, và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở các điểm, các cấp từ cấp Trung ương đến địa phương cũng còn hạn chế; hệ thống văn bản, pháp luật cũng có một số nội dung chưa được điều chỉnh, hoàn thiện.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết việc ban hành văn bản ở các bộ, ngành, địa phương mặc dù đã có chỉ đạo phối hợp, tuy nhiên cũng có những nội dung chưa được kịp thời; công tác chỉ đạo ở các địa phương chưa thực sự quyết liệt; phối hợp để phát hiện và rà soát, sửa đổi, bổ sung nhưng bất cập thì cũng có lúc chưa kịp.

Nêu một số giải pháp khắc phục, ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu cho Chính phủ thực hiện một số giải pháp cụ thể như: tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và thực hiện hoàn thiện các hệ thống văn bản hướng dẫn theo yêu cầu; kịp thời cập nhật những khó khăn để đề xuất xử lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương.

Đồng thời, tăng cường phát huy vai trò người đứng đầu của các cấp, địa phương trong quá trình tổ chức triển khai; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân kết hợp phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động để khơi dậy, tạo sự đồng thuận của nhân dân và sự chung tay của toàn xã hội.

Liên quan kiến nghị của các địa phương về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2021-2022 và 3 chương trình mục tiêu quốc gia sang năm 2023, ông Hầu A Lềnh cho biết Ủy ban Dân tộc sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ quyết định trong thời gian tới.