Chung tay bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại Cà Mau

Cuối tháng 2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong ngăn chặn khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ thị nêu trên, các địa phương trong tỉnh Cà Mau phát động phong trào thi đua chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính chất hủy diệt, từng bước tiến tới việc “nói không với khai thác có tính chất hủy diệt”, “nói không với xung điện, kích điện”.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) chủ động giao nộp xung điện, kích điện sau đó còn được hỗ trợ quà là nhu yếu phẩm.
Người dân xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) chủ động giao nộp xung điện, kích điện sau đó còn được hỗ trợ quà là nhu yếu phẩm.

Qua gần 9 tháng thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, có nhiều cách làm hay, đổi mới, sáng tạo… góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Những cách làm mới

Trong lần về công tác gần đây và có dịp dùng cơm tại miệt rừng xã Khánh Thuận (huyện U Minh), Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) Huỳnh Minh Nguyên cho hay, trên bàn ăn có nhiều món cá đồng vừa mua được ở quê còn rất tươi. Trong những món này có cá lóc nướng trui, cá lóc nấu mẻ…, mỗi con gần nửa kg; cá rô kho tiêu, con nhỏ cũng cỡ 3 ngón tay chụm lại.

“Giờ, bà con ở quê ý thức lắm rồi, chỉ đặt lờ, đặt lợp, giăng lưới, giăng câu cũng có cá dư để bán chứ không dùng xung điện như trước. Với cái đà này thì không lâu nữa, cá đồng dưới kênh, mương… sẽ phục hồi nhanh chóng, muốn ăn cá to bằng bắp chân cũng có”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh nói.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, U Minh ban hành chương trình hành động và Kế hoạch vận động giao nộp thiết bị, vật liệu, dụng cụ khai thác thủy sản có tính hủy diệt. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện họp dân, phát động phong trào thi đua tăng cường quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Địa phương này còn thành lập được 11 tổ cộng đồng quản lý chống khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính tận diệt, hủy diệt ở các xã; thành lập nhiều Câu lạc bộ “Nông dân gương mẫu” chấp hành nộp công cụ kích điện” và xây dựng mô hình cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu nói không với sử dụng các thiết bị, vật liệu, dụng cụ, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Lê Hồng Thịnh cho biết, U Minh huy động vào cuộc cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện Chỉ thị số 17.

“Nhờ linh hoạt nhiều giải pháp, cách làm khác nhau mà đến nay, toàn huyện có hơn 8.700 hộ dân ký cam kết không khai thác thủy sản bằng hình thức hủy diệt, tận diệt; người dân tự nguyện giao nộp 387 bộ dụng cụ kích điện; các chủ tàu, người dân trước đây sử dụng xung điện trong khai thác thủy sản đã tự nguyện chuyển đổi sang nghề khai thác khác. Đây là tín hiệu tích cực của địa phương góp phần chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh chia sẻ thêm.

Cùng có cách làm tương tự như U Minh nhưng tại xã Tân Lộc của huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), trong tuyên truyền, vận động, chính quyền địa phương vận động xã hội hóa thêm các phần quà (gạo, mì tôm, dầu ăn, nhu yếu phẩm thiết yếu) để hỗ trợ, tặng cho người dân, khuyến khích người dân tự nguyện giao nộp xung điện, kích điện.

Mưu sinh chủ yếu bằng cách đi bắt cá ngoài kênh, rạch bằng xung điện nhưng vừa qua, qua tuyên truyền, vận động, gia đình ông Hữu Nghị (ấp 7, xã Tân Lộc) đã tự nguyện giao nộp “cần câu cơm” cho Công an địa phương.

Đề cập đến hành động giao nộp, ông Hữu Nghị cho biết: “Đi xuyệt cá đôi lúc gặp sự cố dễ gây chết người, còn lỡ bị phát hiện sẽ bị tịch thu luôn dụng cụ, còn bị phạt nặng sẽ không có tiền đóng phạt. Trong xóm ai có kích điện bắt cá cũng giao nộp hết rồi, mình cũng làm theo như bà con để được nhận ít quà hỗ trợ, tìm việc khác mưu sinh cho đỡ phần nguy hiểm”.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Lộc Nguyễn Văn Toàn, qua gần 2 tháng phát động phong trào đổi nhu yếu phẩm lấy xuyệt điện, người dân tự nguyện giao nộp gần 60 bộ xuyệt điện. Nhờ vậy mà đến nay, trên địa bàn xã không còn ghi nhận tình trạng người dân dùng xuyệt điện để đánh bắt cá đồng ở ruộng, bắt thủy sản ở các tuyến kênh thủy lợi.

“Chính quyền xã đã yêu cầu các ấp phối hợp các hội, đoàn thể, các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn rà soát, tạo điều kiện giúp những trường hợp gia đình người nộp xuyệt điện có hoàn cảnh cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp bà con chuyển đổi ngành nghề”, ông Toàn nói.

Cần sự vào cuộc trên diện rộng

Trong thời gian qua, Chính phủ và tỉnh Cà Mau đã ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo liên quan đến việc quản lý, khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Trong đó, quy định nghiêm cấm các hoạt động sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

Công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất cấm, chất nổ, chất độc, xung điện trong khai thác thủy sản cũng được chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện và từng lúc, từng thời điểm mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm các quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là vấn nạn sử dụng xung điện, hóa chất, ngư cụ bị cấm để khai thác ngoài biển và nội đồng.

Hệ quả của việc khai thác kiểu tận diệt nêu trên không chỉ gây nguy hiểm trực tiếp cho người sử dụng mà còn tác động tiêu cực đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường cũng như các hệ sinh thái.

Góp phần chấn chỉnh tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Chỉ thị và Chương trình hành động “chuyên đề” nhằm từng bước tiến tới việc “nói không với khai thác có tính chất hủy diệt”, “nói không với xung điện, kích điện”. Hoạt động tuyên truyền, vận động… nhanh chóng lan tỏa đến rộng khắp các tầng lớp nhân dân địa phương.

Qua gần 9 tháng triển khai và hành động quyết liệt, toàn tỉnh Cà Mau thu nhận hơn 1.800 bộ dụng cụ xung điện, kích điện khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản do người dân tự giác giao nộp; vận động hơn 67.200 hộ dân trên địa bàn tỉnh ký cam kết không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc… để khai thác nguồn lợi thủy sản trên tất cả các vùng nước; tịch thu, tiêu hủy hơn 570 bộ dụng cụ xung điện, kích điện; tuần tra phát hiện và xử lý gần 700 trường hợp vi phạm có liên quan, với tổng số tiền phạt gần 17 tỷ đồng…

Phát huy kết quả bước đầu nêu trên, trong thời gian tới, cùng với những giải pháp, cách thức đang triển khai thực hiện, tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện việc thả giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản; thả rạn nhân tạo làm nơi trú ngụ, sinh sản cho tôm, cá; thực hiện thí điểm đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân, đồng thời rà soát, điều tra cơ bản nguồn lợi thủy sản toàn tỉnh để cơ cấu lại ngành nghề nhằm có những bước đi hợp lý, dài hơi… để chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, mục tiêu dài hơi của Cà Mau không chỉ bảo vệ nguồn lợi vùng nội đồng mà cả vùng tự nhiên ngoài sông ngòi, kênh, rạch, vùng ven biển…

Để thực hiện được những mục tiêu trên, không chỉ Cà Mau mà rất cần sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt từ các cấp, các ngành và nhân dân các tỉnh lân cận, đặc biệt vùng giáp ranh. Bởi, đặc thù vùng bán đảo Cà Mau, hệ thống sông rạch thường ăn thông với nhau. Nhiều khi, cùng một con sông, con kênh, con rạch… nhưng mỗi bên thuộc một tỉnh. Hoạt động thiếu ý thức của bên này cũng có tác động bất lợi cho bên còn lại…

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con không thực hiện hành vi đánh bắt, khai thác mang tính hủy diệt. Nếu ai tiếp tục vi phạm sẽ áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm. Qua đây, lãnh đạo tỉnh tha thiết, mong mỏi bà con nghiêm túc thực hiện, kiên quyết nói không với khai thác kiểu tận diệt, nói không với sử dụng xung điện, kích điện.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.