Tạo dựng thiết chế văn hóa cộng đồng

Các thiết chế văn hóa cộng đồng được xây dựng góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng. Tuy nhiên, việc bảo đảm, gìn giữ các không gian văn hóa đúng với mục tiêu, nhu cầu của đời sống hiện vẫn còn không ít bất cập, đòi hỏi có giải pháp tổng thể, phù hợp, nhằm bảo đảm quyền sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Các linh vật rồng tại đường hoa Tết Đà Nẵng sẽ được tập trung về làm Công viên Rồng tại quận Sơn Trà. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Các linh vật rồng tại đường hoa Tết Đà Nẵng sẽ được tập trung về làm Công viên Rồng tại quận Sơn Trà. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Chưa có một đánh giá cụ thể nào về hiệu quả mang lại của các thiết chế văn hóa cộng đồng, nhưng nhìn từ các thiết chế văn hóa công cộng đã và đang xây dựng tại thành phố Đà Nẵng, đã có những ý kiến cho rằng đang có những vấn đề, thực tế đáng để băn khoăn, lo ngại.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những người yêu mến thành phố Đà Nẵng, việc tạo dựng các điểm nhấn văn hóa mới nhằm mang lại vẻ đẹp cũng như tạo thêm dấu ấn đối với du khách đến với Đà Nẵng là điều cần thiết. Và người dân thì có thêm không gian văn hóa để vừa thư giãn, vừa trải nghiệm một vẻ đẹp mới của Đà Nẵng. Ý tưởng nhân văn, nhưng để triển khai cần có những sự quyết định cấp thiết, kịp thời và phải để các dự án đó nhanh chóng được triển khai trên thực tế chứ không phải xây dựng dự án, thuyết trình phương án rồi chỉ để trên giấy.

Nói về sự “dang dở” của Dự án công viên Rồng được người dân thành phố Đà Nẵng từng háo hức chờ đợi, nhiều chuyên gia cho rằng, khi xây dựng đề án này, các bên liên quan chưa thật sự đánh giá sát sao và cách nhìn thực tế đối với các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa công cộng dành cho nhiều người thụ hưởng.

Dự án công viên Rồng, với tổng thể dự án gồm hai phân khu chính, có tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa - từng được kỳ vọng là điểm nhấn văn hóa mới, một cảnh quan, một điểm check-in du lịch mới, kèm theo các dịch vụ tiện ích công cộng thiết yếu để phục vụ người dân, du khách đến tham quan và thưởng lãm - đã bị trì hoãn sau gần một năm từ khi kế hoạch được xây dựng, trình duyệt vào đầu năm 2024 và đến nay, đã không thể triển khai.

Trong khi đó toàn bộ linh vật rồng, biểu tượng Tết Giáp Thìn 2024, sau khi đưa từ đường hoa Tết Đà Nẵng về tập trung tại địa điểm tại khu đất rộng 2,8 ha ở phía tây bắc nút giao đường Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà - được dự tính sẽ xây dựng công viên Rồng, đã bị hư hỏng hoàn toàn do để phơi mưa, phơi nắng nhiều tháng ròng.

Nguyên nhân là do sự không đồng nhất giữa các bên tham gia. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thống nhất chủ trương cho phép trang trí và vận hành công viên xuyên suốt năm 2024, trong khi các đơn vị tham gia xã hội hóa lại đề xuất thời gian tồn tại của công viên lên đến 5 năm. Trong trường hợp thành phố quyết định thu hồi sớm, các đơn vị này đề nghị được di dời công viên đến một vị trí khác.

Và đến ngày 11/10, theo ghi nhận tại hiện trường, các đơn vị đã thu dọn toàn bộ số linh vật rồng này, vận chuyển đi nơi khác. Dự án chính thức khai tử.

Việc xây dựng ý tưởng, trang trí đường hoa Tết bằng hình ảnh linh vật hằng năm là một cách để tạo thêm cảnh quan đẹp cho các địa phương, đặc biệt các khu đô thị lớn như Đà Nẵng. Nhưng việc tận dụng hay phát huy thêm giá trị của các linh vật, nếu như không nhìn nhận một cách thấu đáo và có kế hoạch cụ thể, thì sẽ trở thành lãng phí, “bỏ thì thương, vương thì tội”, khó vẹn cả đôi đường.

Tại Đà Nẵng, các không gian bích họa sau thời gian thu hút sự tò mò của người dân, du khách, nhất là giới trẻ cũng bị xuống cấp và dần rơi vào quên lãng, như hẻm bích họa 75 Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu); công trình dãy tranh bích họa chủ đề làng chài bên bờ kênh Yên Khê 1 (quận Thanh Khê), hay Dự án Đường tranh bích họa phường Mân Thái (quận Sơn Trà)…

Sự lãng phí đầu tiên là kinh phí đầu tư và “chất xám”, công sức lao động của các họa sĩ, nghệ sĩ của thành phố Đà Nẵng. Tranh bích họa bị hư hỏng, các không gian mỹ thuật sắp đặt, kết hợp các gian hàng lưu niệm, khu ẩm thực... không được triển khai như kỳ vọng ban đầu. Người dân địa phương không thụ hưởng được gì từ các không gian văn hóa công cộng này. Du khách thì không mặn mà vì không có nhiều hoạt động trải nghiệm.

Xây dựng thiết chế văn hóa công cộng mang tính bền vững, nhìn từ thực tế những vụ việc nêu trên cho thấy đang gặp không ít trở ngại, bất cập. Điều đó đòi hỏi cần có các giải pháp, hướng đi thích hợp nhằm bảo đảm văn hóa phải được tích tụ và bền vững để có thể trở thành trợ lực thúc đẩy các ngành khác phát triển, trước tiên, là được người dân địa phương đón nhận, cùng tâm huyết xây dựng, lan tỏa.