Tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã tăng cường các giải pháp nhằm tuyên truyền, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn như: tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền; truyền thông tại các nhà trường; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình.
Lâm Bình là huyện vùng vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tuyên Quang, có dân số hơn 51.000 người, với 12 dân tộc cùng chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 94,74%.
Hà Giang nỗ lực giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Theo thống kê, trong những năm trở lại đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đã có chiều hướng giảm nhưng chưa bền vững. Năm 2021 có 17 trường hợp; năm 2022 có 12 trường hợp; năm 2023 có 16 trường hợp và năm 2024 có 7 trường hợp tảo hôn.
Chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức các hội thi để tuyên truyền kiến thức pháp luật về kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. |
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lâm Bình cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số đồng bào dân tộc thiểu số chưa thành thạo trong việc nghe và viết chữ phổ thông nên hạn chế trong tiếp cận tài liệu, thông tin tuyên truyền. Một số hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu để nuôi dạy con cái, nên vẫn còn tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng dẫn đến kết hôn sớm...
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào những đối tượng thanh niên, vị thành niên có nguy cơ cao. Đặc biệt phải tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết là nhiệm vụ còn rất nhiều khó khăn. Sự vào cuộc của các ngành, các cấp là rất cần thiết. Đặc biệt, việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân cần được triển khai thường xuyên. Qua đó, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân, gia đình, từng bước giảm thiểu và đi đến đẩy lùi nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết trong đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực.
Thực hiện Dự án 8 “Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em - Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030”, các cấp Hội phụ nữ của tỉnh đã thành lập được 279 Tổ truyền thông cộng đồng; 6 mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cấp tỉnh.
Cán bộ Trạm Y tế xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang tuyên truyền đến người dân về tác hại và hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. |
Đồng chí Ngô Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Yên Sơn, cho biết, ngoài việc tuyên truyền trong cộng đồng thì vấn đề được đưa vào trong các trường học cũng rất quan trọng. Vì vậy, trong dự án cũng thành lập các câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” nhằm tuyên truyền đến các em học sinh ngay trong ghế nhà trường về những vấn đề, tác hại của việc tảo hôn, lập gia đình sớm sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, giảm cơ hội cho trẻ em trưởng thành và phát triển trong xã hội, giảm cơ hội tìm kiếm việc làm... Tảo hôn sớm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của phụ nữ khi mà có con sớm.
Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số có xu hướng giảm dần. Tính trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn toàn tỉnh có 12.197 cặp kết hôn, trong đó có 390 cặp vợ chồng tảo hôn, chiếm 3,2%/tổng số cặp kết hôn. Mức giảm trong giai đoạn 2021-2023 là 0,4%. Quý I/2024 có 31 cặp vợ chồng tảo hôn.
Mặc dù công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết luôn được các cấp chính quyền, các ngành quan tâm, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về các hệ lụy của vấn nạn tảo hôn... Tuy nhiên, tỷ lệ tảo hôn ở địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn cao.
Đồng chí Hoàng Thị Thắm, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết là một trong những cản trở của sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương. Để giảm thiểu tình trạng này, cần tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chú trọng đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Triển khai thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin, truyền thông, tư vấn, hỗ trợ... bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật.
Tiếp tục triển khai hiệu quả đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào và để chấm dứt vòng luẩn quẩn đói nghèo, thiếu hiểu biết, chất lượng dân số thấp.