Cần biện pháp ưu tiên cho đối tượng dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng thủ dân sự

NDO - Góp ý vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ các biện pháp ưu tiên cho đối tượng dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng thủ dân sự, cũng như nghiên cứu mở rộng thêm nhóm đối tượng này để có hỗ trợ kịp thời.
0:00 / 0:00
0:00

Chiều 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Làm rõ khái niệm “đối tượng dễ bị tổn thương”

Cần biện pháp ưu tiên cho đối tượng dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng thủ dân sự ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tham gia phát biểu về một số vấn đề nhằm hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, chỉnh lý dự thảo Luật tương đối hoàn thiện.

Cho ý kiến về khái niệm “đối tượng dễ bị tổn thương” tại khoản 4, Điều 2, đại biểu đề nghị điều chỉnh một trong những đối tượng dễ bị tổn thương là người dân sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn để có biện pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời khi có sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Về sự đồng bộ, thống nhất trong giải thích từ ngữ, đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) nêu rõ, khoản 4, Điều 2 đã giải thích thuật ngữ “đối tượng dễ bị tổn thương” như sau: “Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa so với những nhóm người khác trong cộng đồng.

Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo, người mất năng lực hành vi dân sự, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật”.

Cần biện pháp ưu tiên cho đối tượng dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng thủ dân sự ảnh 2

Đại biểu Lê Hoàng Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu cho biết nhóm đối tượng này cũng đã được quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai, do đó đại biểu đề nghị bổ sung việc sửa đổi quy định tại khoản 4, Điều 3 của Luật Phòng, chống thiên tai để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong sử dụng, giải thích từ ngữ trong hệ thống pháp luật.

Cũng góp ý về giải thích từ ngữ, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho biết, khoản 4, Điều 2 đang quy định đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Đại biểu đề nghị nghiên cứu nâng độ tuổi phụ nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi lên 36 tháng tuổi để mở rộng thêm đối tượng dễ bị tổn thương.

Đây cũng là nội dung được đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chia sẻ tại phiên thảo luận. Đại biểu cho biết, dự thảo Luật có quy định về đối tượng dễ bị tổn thương, cần ưu tiên trong quá trình phòng thủ dân sự, tuy nhiên dự thảo Luật chưa thể hiện ưu tiên với các đối tượng này. Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần bổ sung ý ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương trong dự thảo Luật.

Cần biện pháp ưu tiên cho đối tượng dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng thủ dân sự ảnh 3

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về chế độ chính sách với lực lượng phòng thủ dân sự, khoản 2, Điều 42 có quy định, người được điều động, huy động huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng trợ cấp; khi ốm đau, bị tai nạn, chết hoặc bị suy giảm khả năng lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí, trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; có thành tích thì được khen thưởng.

Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị điều chỉnh theo hướng tách làm hai ý theo hai trường hợp: Bị tai nạn thì được hưởng các hình thức trợ cấp, hỗ trợ; còn trường hợp bị chết thì người nhà, thân nhân sẽ hưởng các hình thức trợ cấp, hỗ trợ.

Bổ sung quy định về nguyên tắc, thời điểm thống kê, đánh giá thiệt hại

Nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) ghi nhận cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, bảo đảm dự án Luật đầy đủ, chặt chẽ, khả thi.

Góp ý cụ thể về nội dung thống kê đánh giá thiệt hại, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho biết, dự thảo Luật lần này quy định về cơ quan có trách nhiệm phải thống kê, đánh giá thiệt hại do sự cố thảm họa gây ra, song chưa thấy quy định cách thức tổ chức thực hiện thống kê đánh giá.

Cần biện pháp ưu tiên cho đối tượng dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng thủ dân sự ảnh 4

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Để có căn cứ cho việc thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại theo quy định trên, bảo đảm tính đánh giá đầy đủ, chính xác, kịp thời về thiệt hại và đề xuất phương án hỗ trợ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, thời điểm thống kê, đánh giá và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ thống kê, đánh giá.

Về nguyên tắc huy động vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khi có sự cố, thảm họa tại Điều 31, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng để quy định chặt chẽ hơn bảo đảm công tác cứu trợ, hỗ trợ kịp thời, đúng nhu cầu và tránh lãng phí, cần nhấn mạnh trách nhiệm phải phối hợp của chính quyền địa phương và nhất là việc điều phối cứu trợ, hỗ trợ đáp ứng nhu cầu thiết yếu, phù hợp với nhu cầu của nơi bị thiệt hại.

Cần biện pháp ưu tiên cho đối tượng dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng thủ dân sự ảnh 5

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Liên quan nội dung này, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) nêu rõ, về huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung biện pháp quản lý, sử dụng nguồn thu do tổ chức, cá nhân vận động được để phòng ngừa tiêu cực.

Cần biện pháp ưu tiên cho đối tượng dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng thủ dân sự ảnh 6

Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức trong hoạt động phòng thủ dân sự quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét, bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, đó là chủ động khắc phục hậu quả bồi thường, chi trả chi phí nếu để xảy ra thảm họa, sự cố trong quá trình hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, cũng cần bổ sung nhiệm vụ, hành vi che giấu khi chính các tổ chức kinh tế đó gây ra thảm họa, sự cố để nâng cao trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có nguy cơ gây ra thảm họa, sự cố như đã từng xảy ra trước đây.

Cần biện pháp ưu tiên cho đối tượng dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng thủ dân sự ảnh 7

Đại biểu, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Góp ý về cấp độ phòng thủ dân sự và căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự, theo đại biểu, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), cấp độ phòng thủ dân sự là vấn đề mà các luật khác chưa quy định. Đây cũng là cơ sở để phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương nhằm phát huy phương châm 4 tại chỗ, nâng cao tính chủ động của chính quyền các cấp trong việc nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát các nguy cơ, kịp thời phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Đại biểu cho rằng cần phải có sự phân công, phân cấp trách nhiệm cho chính quyền các cấp để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục phù hợp tình hình thực tiễn. Các cấp chính quyền cũng cần nắm chắc đặc điểm địa phương mình để có công tác chuẩn bị phù hợp.

“Đây là yếu tố chủ quan, nếu năng lực yếu thì phải chuẩn bị sớm hơn, kỹ hơn, thậm chí chuẩn bị ở mức độ cao hơn để bảo đảm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra”, đại biểu, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.