Bổ sung nguyên tắc về hoạt động phòng thủ dân sự phù hợp thực tiễn

NDO - Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự theo hướng phù hợp với thực tiễn yêu cầu hoạt động phòng thủ dân sự, nhằm ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
0:00 / 0:00
0:00

Chiều 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Áp dụng các biện pháp phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời

Bổ sung nguyên tắc về hoạt động phòng thủ dân sự phù hợp thực tiễn ảnh 1

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 2/2023, sau đó tiếp tục được hoàn thiện trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, liên quan khái niệm “Sự cố”, “Thảm họa”, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bỏ cụm từ “có nguy cơ dẫn đến thảm họa” ở khái niệm “Sự cố”; đồng thời, chỉnh lý lại khái niệm “Sự cố” và khái niệm “Thảm họa” rõ ràng, cụ thể, thống nhất với khái niệm “Phòng thủ dân sự”.

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, với 127 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 5 văn bản tham gia ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã 3 lần cho ý kiến về dự thảo luật này.

Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 gồm 7 Chương, 57 Điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, đã bổ sung 4 Điều, bỏ 15 Điều và chỉnh sửa nội dung kỹ thuật lập pháp 46 điều, cùng với đó sắp xếp, bố cục lại một số Chương, Điều trong dự thảo Luật.

Các khái niệm được giải thích phù hợp với Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, tương thích với khái niệm “thảm họa” trong Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (AADMER) mà Việt Nam là thành viên.

Về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự (Điều 3); áp dụng Luật Phòng thủ dân sự và các luật liên quan (Điều 4) và chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự (Điều 5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại các nguyên tắc hoạt động Phòng thủ dân sự.

Theo đó bổ sung nguyên tắc “hoạt động phòng thủ dân sự phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới”; nguyên tắc “kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân” cho phù hợp với Nghị quyết số 22 và thực tiễn hoạt động phòng thủ dân sự.

Bổ sung nguyên tắc về hoạt động phòng thủ dân sự phù hợp thực tiễn ảnh 2

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp chiều 24/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về công trình phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về công trình phòng thủ dân sự phù hợp với tính chất của hoạt động phòng thủ dân sự.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa lại tên điều là “Công trình phòng thủ dân sự” và chỉnh lý lại nội dung của Điều này theo hướng quy định “Công trình phòng thủ dân sự là công trình được sử dụng cho mục đích phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, chiến tranh”.

Công trình phòng thủ dân sự gồm 2 loại: Công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng và công trình khác có công năng đáp ứng yêu cầu phòng thủ dân sự. Nội dung này Luật sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết.

Xây dựng 2 phương án Quỹ Phòng thủ dân sự

Về Quỹ Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng 2 phương án xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Cụ thể, phương án 1: Giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật; phương án 2: Quy định “trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự về các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố (Điều 18) và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 20); các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3 (Điều 23, 24, 25); biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp (Điều 26) cũng như về chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự.

Bổ sung nguyên tắc về hoạt động phòng thủ dân sự phù hợp thực tiễn ảnh 3

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội chiều 24/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về nguồn lực cho phòng thủ dân sự, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về đề nghị chỉ quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến phòng thủ dân sự, để thống nhất với pháp luật có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho đổi tên Chương VI thành “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự”.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rõ hơn trách nhiệm của 8 Bộ có nhiệm vụ nhiều nhất và liên quan trực tiếp đến hoạt động phòng thủ dân sự, bên cạnh rà soát, chỉnh lý các điều trong Chương này cụ thể, rõ ràng, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Dự kiến, sau phiên thảo luận tại hội trường chiều 24/5 về dự thảo Luật, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự vào phiên họp sáng 20/6 tới.