Bảo đảm thống nhất, không chồng chéo trong xây dựng dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

NDO - Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai…, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần thiết phải bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện dự án luật này, không gây chồng chéo với các luật chuyên ngành khác đã ban hành.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 8 chiều 1/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 8 chiều 1/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chủ động từ sớm, từ xa

Phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ 8 chiều 1/11, đại biểu Đỗ Quang Thành (Cao Bằng) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội.

Đại biểu đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ khi chuẩn bị xây dựng dự án luật từ sớm, từ xa, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Theo đại biểu Đỗ Quang Thành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là hợp lý, vì không “tham vọng” bao trùm hay thay thế các luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, do đây là 1 dự án luật khó, liên quan nhiều luật khác nhau nên cần bổ sung các quy định cụ thể hơn, thí dụ như quy định về cách ly y tế đã phát sinh trong thực tiễn đại dịch Covid-19 vừa qua.

Bảo đảm thống nhất, không chồng chéo trong xây dựng dự thảo Luật Phòng thủ dân sự ảnh 1

Đại biểu Đỗ Quang Thành (Cao Bằng) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đánh giá cao khái niệm “sự cố” trong dự luật, đại biểu cho rằng nếu sự cố chưa có nguy cơ dẫn đến thảm họa thì không cần kích hoạt luật này mà vẫn áp dụng các luật chuyên ngành khác.

Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị cần rà soát, bảo đảm xây dựng dự án Luật Phòng thủ dân sự sao cho sát và không chồng chéo với các luật chuyên ngành khác, đồng thời bảo đảm có sự linh hoạt chung trong thực hiện luật sau này.

Đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự án luật, đại biểu Nguyễn Xuân Dắt (Sóc Trăng) cho rằng, trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa…, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, một số vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn như phòng ngừa dịch bệnh, ứng phó thiên tai… như vừa qua đã gây khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Điểm lại một số thiên tai gây nhiều thiệt hại trong thời gian qua, Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt cho rằng, để giảm thiệt hại về người và tài sản trước sự cố, thiên tai phức tạp đòi hỏi vận dụng linh hoạt, kịp thời các nguyên tắc mới như “4 tại chỗ”. Các cấp chính quyền và nhân dân đã vào cuộc từ sớm, từ xa, đưa ra các phương án ứng phó kịp thời.

Bảo đảm thống nhất, không chồng chéo trong xây dựng dự thảo Luật Phòng thủ dân sự ảnh 2

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Tư lệnh Quân khu 9, Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Do đó, theo Tư lệnh Quân khu 9, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết để quy định rõ các cấp chính quyền, lực lượng và người dân cùng tham gia phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố.

Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt cho rằng, như trong đại dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh một số bất cập trong công tác điều hành. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, hay thảm họa phức tạp… đòi hỏi việc xây dựng dự án luật là cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc chủ động ứng phó thảm họa, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Khắc phục được những tồn tại, hạn chế, vướng mắc

Tham gia góp ý một số nội dung cụ thể để hoàn thiện dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) quan tâm đến nội dung liên quan huy động, đóng góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ quy định tại Điểm c, khoản 2 Điều 35 dự thảo luật.

Đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc quy định này, vì trong tình huống thảm họa, sự cố xảy ra ở mức độ lớn, phức tạp, Ủy ban nhân dân nơi xảy ra thảm họa có thể hoạt động không ổn định và lúc này, cơ quan thường trực là cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp. Do đó, nếu quy định như trong dự luật thì các tổ chức, cá nhân được phép quyên góp từ cộng đồng phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi được hỗ trợ sẽ bị chậm trễ.

Bảo đảm thống nhất, không chồng chéo trong xây dựng dự thảo Luật Phòng thủ dân sự ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu tại thảo luận tổ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp để có quy định phối hợp với các cơ quan phòng thủ dân sự các cấp về vấn đề này, bảo đảm tính kịp thời.

Liên quan đến đề xuất lập các quỹ phòng thủ dân sự quy định tại Điều 44 trong dự thảo luật, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu rõ, hiện nay từ Trung ương đến địa phương cũng có các quỹ như Quỹ Phòng, chống thiên tai, Quỹ Phòng, chống dịch mà một số quỹ cũng đang có chủ trương là cơ quan chỉ huy, chỉ đạo dự kiến sẽ được hợp nhất với nhau. Vấn đề này đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem khi quy định trong luật để thành lập quỹ thì có chồng chéo hay không.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị cần quy định rõ hơn về các chế độ, các cơ chế huy động quỹ phòng thủ dân sự, cũng như cơ chế sử dụng quỹ để vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội, vừa tăng cường hiệu quả, ý nghĩa thiết thực của nguồn tài chính này trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, khó khăn hiện nay.

Về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện tại Điều 23, đại biểu Ma Thị Thúy cũng đề nghị nêu rõ trường hợp nào được từ chối, trường hợp nào là bắt buộc khi huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, đồng thời cũng cần bổ sung các cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự theo 4 cấp độ được phân loại trong dự án luật này.