Hà Nội đã thay đổi được nhận thức của cán bộ về chuyển đổi số

Chiều 21/11, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số thực hiện Đề án 06 của thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị chiều 21/11.
Quang cảnh hội nghị chiều 21/11.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về phát triển các ứng dụng nền tảng thuộc Đề án 06, qua hơn bốn tháng triển khai chính thức ứng dụng “Công dân Thủ đô số” - iHanoi, ứng dụng thể hiện tâm huyết và quyết tâm rất cao của Chính quyền thành phố trong mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, đồng thời khai thác hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ nhằm phục vụ nhóm tiện ích cho Công dân số.

Tính đến ngày 31/10/2024, tổng số người dùng đăng ký tài khoản ứng dụng đạt 1.043.724; tiếp nhận 17.083 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng đã xử lý 14.398 phản ánh, kiến nghị chiếm 84,3%, trong đó 7.194 phản ánh được đánh giá từ người dân, số lượng đánh giá hài lòng và chấp nhận chiếm tới 55%.

Một điểm nhấn rất mới, có thể coi là đột phá là việc tích hợp VNeID lên iHanoi. Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là một bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.

Việc ký kết chính thức triển khai dịch vụ định danh và xác thực điện tử qua VNeID trên ứng dụng iHaNoi thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt và nhanh chóng trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Người dân giờ đây chỉ cần sử dụng một tài khoản định danh điện tử duy nhất (VNeID) để đăng nhập sử dụng các dịch vụ/ứng dụng của cơ quan chính quyền Hà Nội cung cấp như ứng dụng iHanoi, cổng dịch vụ công TP Hà Nội. Điều này giúp người dân không cần phải ghi nhớ nhiều tài khoản và mật khẩu, tiết kiệm thời gian khi thao tác.

Việc sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập trên ứng dụng iHanoi giúp người dân không cần xác thực lại các thông tin cá nhân như số CCCD, họ tên, ngày sinh, giới tính trên ứng dụng iHanoi. Với hình thức đăng ký/đăng nhập tài khoản bằng số điện thoại, người dân vẫn cần thực hiện xác thực lại các thông tin cá nhân khi sử dụng một số chức năng như Phản ánh thủ tục hành chính, Đăng ký tiếp công dân, Sổ sức khoẻ điện tử.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 4/10/2024, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công.

Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là cơ quan hành chính thuộc UBND TP Hà Nội (cơ quan ngang sở), có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm sẽ vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng kết quả lớn nhất của triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố vừa qua là thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu về câu chuyện chuyển đổi số.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Chủ tịch thành phố cho rằng: “Hiện nay, chúng ta mới số hóa quy trình thủ công chứ chưa tư duy thay đổi quy trình có tính tầng nấc. Cần thay đổi phương thức quản trị để phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cũng đề nghị các thành viên của Ban Chỉ đạo phải lượng hóa được giá trị mà người dân được hưởng là gì, đây là đích cuối cùng của công cuộc chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ. Người dân phải được thụ hưởng dịch vụ như nhau ở các địa bàn khác nhau, xóa dần khoảng cách giàu nghèo, tạo công bằng xã hội.