Bước phát triển mới của công nghiệp Hưng Yên

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 19, nghành công nghiệp địa phương có những khởi sắc mới. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, thu hút nhiều dự án lớn, công nghệ tiên tiến. Đây tiếp tục là hướng phát triển của công nghiệp Hưng Yên trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm của Công ty TNHH tôn Hòa Phát (Hưng Yên).
Sản phẩm của Công ty TNHH tôn Hòa Phát (Hưng Yên).

Thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 19 đề ra, "xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại", Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 15/6/2021 về "Chương trình phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030".

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết 07-NQ/TU bằng nhiều kế hoạch, đề án cụ thể, đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng đồng bằng sông Hồng.

Đáng chú ý, Hưng Yên đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn nhằm phân bố phát triển công nghiệp hợp lý hơn, khai thác hiệu quả các điều kiện thuận lợi của địa phương cho phát triển công nghiệp, bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Tỉnh cũng quan tâm, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quy hoạch và chính sách thu hút đầu tư.

Đến nay, Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương quy hoạch phát triển 17 khu công nghiệp, có tổng diện tích hơn 4.395ha; trong đó, tám khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư; chín khu công nghiệp đang trong quá trình triển khai, chưa đi vào hoạt động. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh có thêm sáu khu công nghiệp mới và mở rộng đi vào hoạt động.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề. Tỉnh đã thành lập 26 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.256ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 12.408 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng và chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hồi đất và thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.

Hai cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão-Nghĩa Dân và Minh Khai được chọn làm điểm giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận các dự án đầu tư. Đến nay, hai cụm này đã hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500; thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khởi công xây dựng.

Sự quan tâm và chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng các cấp thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU là động lực quan trọng đưa hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên tiếp tục thời kỳ tăng trưởng cao. Năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 108,82%; năm 2022, đạt 110,4%. Một số ngành, lĩnh vực của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ như dệt may, cơ khí, điện tử...

Nhiều sản phẩm công nghiệp tiếp tục khẳng định được vị thế trên thị trường, đã có thêm nhiều sản phẩm tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu. Công nghiệp tiếp tục là ngành đóng góp lớn nhất cho giá trị sản xuất, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên năm 2022 đạt 12,84%; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong cơ cấu kinh tế đạt 63,7%; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 6,6 tỷ USD. Môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch đã góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.

Giai đoạn 2021-2022, Hưng Yên thu hút được 188 dự án mới, gồm 146 dự án trong nước và 42 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh tăng thêm hơn 84 nghìn tỷ đồng và hơn 807 triệu USD, đưa tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 2.122 dự án. Hiện đã có 1.470 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.

Để hoàn thành các mục tiêu về lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đề ra, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Thơ cho biết: Tỉnh tiếp tục tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, vật liệu mới và các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo, hóa chất...

Tỉnh khẩn trương đẩy mạnh các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư; rà soát, bổ sung chính sách, quy định liên quan, nhất là xây dựng và hoàn thiện quy định khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ; kết nối, tư vấn, trợ giúp các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để tìm hiểu yêu cầu, cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia được vào các chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị.

Tỉnh hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ, các lĩnh vực, ngành, nghề sản xuất và các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng để xây dựng các mối liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, chú trọng các cơ chế, giải pháp đẩy nhanh việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Công tác cải cách hành chính, các hoạt động gặp mặt, đối thoại giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng sẽ được Hưng Yên tăng cường nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.