Nhiều tháng nay, cứ vào mỗi tối thứ 3, thứ 5 hằng tuần, cán bộ, chiến sĩ của Đồn biên phòng Nậm Càn lại tranh thủ đến lớp để học tiếng H’Mông.
Lớp học tiếng H’Mông của Đồn biên phòng Nậm Càn có hơn 40 học viên tham gia, giáo viên đứng lớp chính là Trung tá Và Bá Tu (người dân tộc H'Mông), Đội trưởng Vận động quần chúng của đơn vị.
Trước khi bắt đầu với chữ cái mới, các học viên sẽ được ôn bài, kiểm tra lại kiến thức đã được học ở các buổi trước. “Giáo án các tiết học được chuẩn bị kỹ càng. Ở những buổi học đầu tiên chúng tôi cho học viên làm quen những câu chào hỏi, giao tiếp thông thường. Quá trình dạy và học, việc ôn luyện được chú trọng để học viên phát âm đúng, chính xác các từ và nói đúng ngữ điệu của đồng bào H’Mông tại địa phương”, Trung tá Và Bá Tu cho biết.
Lớp học tiếng H’Mông của Đồn biên phòng Nậm Càn, Bộ đội Biên phòng Nghệ An. |
Theo Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn biên phòng Nậm Càn, đơn vị phụ trách, quản lý là xã biên giới Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn). Xã có 6 bản với 479 hộ/2.516 khẩu thì có đến 477 hộ là người dân tộc H’Mông. Trong quá trình giao tiếp của đồng bào chủ yếu dùng tiếng H’Mông, do đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ yêu cầu cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải giao tiếp được bằng tiếng của đồng bào.
Để công tác dạy và học đạt hiệu quả cao, Ban chỉ huy Đồn cũng phân công Trung tá Xồng Bá Mùa, Chính trị viên phó chịu trách nhiệm phụ trách lớp học, hỗ trợ giáo viên và các học viên trong quá trình dạy và học.
Đồn khuyến khích tinh thần tự học, tự trau dồi của các học viên thông qua tiếp xúc trao đổi công tác, làm nhiệm vụ với các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn để nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
Trung tá Nguyễn Quang Ninh trao đổi, trau dồi khả năng giao tiếp bằng tiếng H’Mông với người dân địa phương. |
Đơn vị cũng đề ra chỉ tiêu để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu. Trước hết, Ban chỉ huy Đồn, cán bộ các đội công tác của đơn vị có thể nghe, hiểu và nói tiếng dân tộc H’Mông trên địa bàn trong quan hệ giao tiếp thông thường khi làm nhiệm vụ. Cán bộ các đội: vận động quần chúng, trinh sát, phòng, chống ma túy và tội phạm phải thành thạo tiếng dân tộc H’Mông. Cán bộ đội Kiểm soát hành chính bảo đảm cơ bản nghe, nói và giao tiếp được…
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Quang Ninh, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn biên phòng Nậm Càn chia sẻ: Với tinh thần cầu thị, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết dạy cho người chưa biết, anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn nhiệt tình hỗ trợ nhau để tiến bộ. Ngoài các buổi học trên lớp, việc dạy và học tiếng H’Mông cũng được lồng ghép trong các hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ. Trải qua vài tháng học, đến nay, anh đã có thể nghe và nói được những câu đơn giản tiếng dân tộc H’Mông.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Nậm Càn thăm hỏi, động viên gia đình ông Và Chứ Rùa ở xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. |
Tại Đồn biên phòng Na Ngoi, Thiếu tá Già Bá Ná (người dân tộc H’Mông) được Ban Chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ soạn thảo giáo án giảng dạy và trực tiếp lên lớp cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Anh chia sẻ: “Ngoài việc giảng dạy cách phát âm, hiểu nghĩa sao cho đúng để mọi người có thể giao tiếp được với bà con, tôi cũng chia sẻ cho mọi người về tập tục, văn hoá của người dân nơi đây để mọi người nắm được, qua đó xử lý công việc dễ dàng hơn”.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Thành, Chính trị viên Đồn biên phòng Na Ngoi thông tin, hàng năm đơn vị xây dựng kế hoạch mở lớp học tiếng H’Mông từ tháng 3, thành lập Ban tổ chức, tổ giáo viên, giao cho các đồng chí người dân tộc thiếu số H’Mông có khả năng sư phạm lên lớp, giữa kỳ có đánh giá, rút kinh nghiệm cho các năm học tiếp theo, ngoài ra cán bộ địa bàn được yêu cầu tham gia 100%. Việc đọc thông, nói thạo tiếng đồng bào không chỉ là điều kiện quan trọng giúp cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thực hiện phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc”, mà còn thể hiện sâu sắc hơn nữa tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, góp phần xây dựng thôn bản ngày càng phát triển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Xieng Khouang (Lào) thực hiện tuần tra song phương biên giới cấp tỉnh. |
Thống kê từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết, trong năm 2024, các đơn vị Biên phòng đã tổ chức được 6 lớp học tiếng đồng bào H’Mông và tiếng đồng bào Thái cho 215 cán bộ, chiến sĩ.
Ngoài ra, để nâng cao trình độ hiểu biết, giao tiếp bằng tiếng Lào, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cũng đã tham mưu, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An mở các lớp dạy tiếng Lào cơ bản cho cán bộ các ban, ngành, địa phương biên giới và cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng có cửa khẩu (như: Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Đồn biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy, Đồn biên phòng Thông Thụ).
Tỉnh Nghệ An có hơn 468 km đường biên giới tiếp giáp 3 tỉnh của nước bạn Lào, (gồm Houaphanh, Xieng Khouang, Bolikhamxay. Việc biết và sử dụng thành thạo tiếng Lào góp phần thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại của tỉnh Nghệ An; xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và giữa tỉnh Nghệ An với 3 tỉnh của bạn Lào có chung đường biên giới nói riêng.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 47 dân tộc thiểu số cùng sinh sống đan xen, phần lớn tập trung ở các khu vực miền núi, như: Thái, Thổ, Khơ Mú, H’Mông, Ơ Đu… với dân số hơn 491 nghìn người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh.