Một quyết sách giảm hơn 6.598 hộ nghèo
Bình Phước hiện có 40 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Xuất phát từ thực trạng tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, trong khi tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đạt thấp, năm 2019, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số được Tỉnh ủy Bình Phước ban hành.
Trang phục truyền thống các dân tộc anh em sinh sống tại Bình Phước. |
Để chương trình được triển khai hiệu quả, 5 năm qua, tỉnh đã bố trí hơn 675 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh bố trí hơn 284 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện bố trí gần 5,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia hơn 51 tỷ đồng, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 147 tỷ đồng, vốn vận động gần 173 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn lồng ghép khác để thực hiện chương trình.
Từ nguồn vốn được bố trí, cơ quan chức năng đã hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở, đất ở; hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt; đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm… Việc hỗ trợ cho người dân được thực hiện công tâm, sát với thực tế và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân.
Nhờ đó, từ năm 2019 đến 2023, toàn tỉnh đã giảm được 6.598 hộ nghèo dân tộc thiểu số, vượt chỉ tiêu hằng năm giao là giảm 1.000 hộ nghèo như kế hoạch chương trình đã đề ra. Đưa số hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh từ 4.545 hộ năm 2019 giảm xuống còn 574 hộ vào cuối năm 2023.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước trao nhà đại đoàn kết cho người nghèo tại huyện Bù Gia Mập. |
Kết quả giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành bước đệm để công tác giảm nghèo của tỉnh chuyển biến theo hướng nhanh, bền vững; giúp đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, cũng như các dịch vụ xã hội một cách đầy đủ và chất lượng hơn.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước Mai Xuân Tuân cho biết, là đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, sở căn cứ vào chỉ tiêu giảm nghèo của từng địa phương, riêng với hộ nghèo dân tộc thiểu số trên tinh thần danh sách đăng ký thoát nghèo, các địa phương phải khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của từng hộ để lập kế hoạch đề nghị bổ sung các chỉ tiêu còn thiếu hụt, cụ thể như nhà ở, nước sạch, sinh kế, điện thắp sáng… Đồng thời, giảm dần hình thức hỗ trợ 100% cho người nghèo dân tộc thiểu số để hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh
Tuy nhiên, công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương đôi lúc còn chưa đồng bộ; một bộ phận hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước; việc quản lý, sử dụng nguồn lực một số nơi còn chưa hiệu quả, nhiều chương trình còn chồng chéo; việc huy động nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế; công tác rà soát hộ nghèo tại một số địa phương còn sai sót…
Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Phước
Phó Chủ tịch Ủy ban dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh thực sự hết sức ý nghĩa và nhân văn, góp phần làm thay đổi đời sống gần 6.600 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là kết quả to lớn-ấn tượng-ngoạn mục, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ.
“Dù Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh khép lại, tuy nhiên trên tinh thần chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm của tỉnh, thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục duy trì bền vững kết quả giảm nghèo trên phạm vi toàn tỉnh, cố gắng không để tái nghèo, đặc biệt là tái nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chuyển trọng tâm chương trình giảm nghèo từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung nâng chất cuộc sống cho người dân, phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước không còn hộ nghèo", Phó Chủ tịch Ủy ban dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết.
Đồng bào nỗ lực vươn lên
Năm 2023, xã Đắk Nhau là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao nhất huyện Bù Đăng. Với tổng nguồn lực hỗ trợ cho công tác giảm nghèo hơn 9,6 tỷ đồng, trong đó nguồn lực vận động 520 triệu đồng, tất cả nguồn vốn được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, toàn xã đã có 144 hộ thoát nghèo bền vững, trong đó có 43 gia đình được hỗ trợ về nhà ở.
Ông Nguyễn Mạnh Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Nhau cho biết, năm 2023, Đắk Nhau phấn đấu về đích nông thôn mới nên ngay từ đầu năm cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đặc biệt quan tâm công tác giảm nghèo. Trên cơ sở nguồn vốn của tỉnh, huyện và vốn huy động trong nhân dân, xã đã phân bổ kịp thời nên mới đạt được kết quả như vậy.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước làm du lịch thông qua phục dựng các lễ hội truyền thống. |
Nhờ được giải ngân nguồn vốn kịp thời nên cuối năm 2023, gia đình bà Điểu Thị Phài ở thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Bà Phài chia sẻ, năm nay, gia đình được nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, giếng nước và cặp bò sinh sản, với tổng kinh phí hơn 145 triệu đồng từ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh.
Trước đây, gia đình sống trong căn nhà tạm, mưa dột, nắng nóng, nay không còn lo lắng nữa. Có nhà, có phương tiện sinh kế, gia đình sẽ cố gắng chăm chỉ lao động để kinh tế ngày càng ổn định hơn.
Trước đây, cuộc sống gia đình bà Thị Geo (thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) hết sức khó khăn, nguồn thu chủ yếu dựa vào cây điều, chăn nuôi khó phát triển vì không có vốn, kinh nghiệm lại hạn chế. Được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình bà đã đầu tư mua bò, lợn giống về nuôi. Nhờ được hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc, gia đình bà đã có 11 con lợn và 15 con bò. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, các nguồn thu bảo đảm.
Hỗ trợ con giống cho người nghèo tại huyện Phú Riềng. |
Tương tự, gia đình anh Điểu Y La (Thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng) cũng một trong những hộ có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Trong 3 năm trở lại đây, anh tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số với số tiền hơn 100 triệu đồng, anh đã đầu tư mua 1 cặp bò, trồng và chăm sóc 1.000 cây cà-phê.
Anh vui mừng cho biết: “Đến nay, đàn bò đã sinh được 5 con, cà-phê mỗi năm thu hơn 4 tấn nên gia đình đã có cái ăn, cái mặc, có của để cho con đi học, sau này kiếm việc làm nuôi sống bản thân”.
Bù Đăng thuộc vùng sâu, vùng xa của Bình Phước, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%, gồm đồng bào S’tiêng, M’nông, Châu Mạ… và người Tày, Nùng, Dao, Hoa di cư nơi khác đến lập nghiệp...
Thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh Bình Phước, từ năm 2019 đến nay, huyện giảm được 1.430 hộ nghèo dân tộc thiểu số; hỗ trợ nhà ở cho 586 hộ, đất ở 35 hộ, nhà vệ sinh 127 hộ, nước sinh hoạt 616 hộ, chuyển đổi nghề 1.356 hộ có nhu cầu, kéo điện cho 316 hộ, hỗ trợ vay vốn ưu đãi tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 57 hộ…
Năm 2024, Bù Đăng còn 254 hộ nghèo, trong đó 165 hộ nghèo người dân tộc thiểu số; 587 hộ cận nghèo.
Lãnh đạo Huyện ủy Bù Gia Mập tặng quà cho người nghèo. |
Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng cho biết, điểm nhấn quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện là sự tham gia tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong tham mưu, rà soát, tổng hợp nhu cầu của hộ nghèo để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Tính riêng năm 2023, toàn huyện đã hỗ trợ 963 nhu cầu sinh kế, phát triển sản xuất cộng đồng được triển khai, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 440 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn về nhà ở với kinh phí hơn 43,5 tỷ đồng, giúp hộ nghèo an cư, lạc nghiệp.