Động lực cho phát triển
Tỉnh Bình Phước có 40 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, với hơn 200.000 người, chiếm hơn 19% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, nổi bật có Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo hằng năm. Sau 5 năm thực hiện (từ năm 2019-2023), Bình Phước đã giảm gần 6.600 hộ nghèo. Đây là kết quả hết sức ấn tượng trong công tác giảm nghèo của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 500 hộ nghèo, dự kiến đến hết năm 2024, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn khoảng 300 hộ. Giai đoạn 2019-2024, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp chính quyền và Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Bù Gia Mập đã giảm nghèo cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ông Điểu Kiêng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Gia Mập cho biết: Giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.660 trường hợp với tổng kinh phí hơn 117 tỷ đồng; trong đó, huyện hỗ trợ xây dựng nhà ở, cung cấp nước sinh hoạt, cây giống, con giống, phương tiện sinh kế và phát triển hạ tầng giao thông rộng khắp các thôn, ấp.
Ngoài ra, huyện cũng thực hiện nhiều chính sách như hỗ trợ ngành nghề, vốn vay ưu đãi và phát triển giáo dục... Các chính sách cho già làng, người có uy tín được quan tâm thực hiện và phát huy hiệu quả tốt.
Cùng với Bù Gia Mập, các địa phương khác trong tỉnh cũng triển khai hiệu quả công tác dân tộc và các chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao từ cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể, nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng, tạo việc làm và nâng cao chất lượng giáo dục… đã đạt kết quả tích cực. Các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và phát triển ngành nghề truyền thống phát huy đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Hệ thống giao thông, điện, nước sinh hoạt được đầu tư trên diện rộng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa. Những kết quả này không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh thoát nghèo bền vững mà còn củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở khu vực miền núi và biên giới.
Trước đây, gia đình anh Điểu Sang ở thôn 4, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng là hộ nghèo. Từ chương trình hỗ trợ của tỉnh, anh đã lựa chọn chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế. Mỗi khi các hội, đoàn thể tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật hay phổ biến mô hình chăn nuôi mới, anh đều đăng ký tham gia học.
Anh Điểu Sang cho biết: Thông qua các lớp tập huấn, tôi đúc rút được rất nhiều bài học bổ ích. Tính đến nay, tôi đã thử nghiệm và thực hành nhiều mô hình kinh tế khác nhau, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, trong đó có mô hình nuôi hươu lấy nhung do Hội Nông dân xã chuyển giao từ đầu năm 2021.
Phát huy sức mạnh nội lực
Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Phước Lường Đình Hải cho biết: Xuất phát điểm thấp nhưng với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho dân”, đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Phước đã hiến hàng trăm héc-ta đất, hoa màu và vật kiến trúc để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Sự đóng góp này, không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn giúp hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có ba đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 73/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 46 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đáng chú ý, 21/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (có 8 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi).
Kết quả này không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn theo hướng bền vững. Đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực chung của toàn xã hội trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của tỉnh.
Song song đó, tỉnh Bình Phước cũng phê duyệt danh mục di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh với 25 di sản (Một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và bảy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Toàn tỉnh có năm di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 28 di tích cấp tỉnh. Tỉnh cũng triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Đồng thời, chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc. Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Xtiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng), Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã trở thành những điểm đến thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm. Các mô hình du lịch cộng đồng như tham quan lễ hội, trải nghiệm văn hóa ẩm thực và tái hiện các nghề thủ công truyền thống, không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.