Ấm áp những căn nhà “Đại đoàn kết”
Trong căn nhà “đại đoàn kết” khang trang, còn đầy mùi sơn vừa được Ủy ban MTTQ huyện Lộc Ninh trao tặng, bác Lâm Bang, ấp Việt Quang, xã Lộc Quang chia sẻ trong niềm hạnh phúc: “Sau nhiều năm sống trong căn nhà dột nát nay được ở ngôi nhà rộng rãi, kiên cố, giống như một giấc mơ. An cư lạc nghiệp, gia đình sẽ phấn đấu lao động, sản xuất, quyết tâm vươn lên”. Đây là một trong những ngôi nhà có được từ phong trào chung tay “xóa nhà tạm, dột nát” do Ủy ban MTTQ huyện Lộc Ninh phát động nhằm giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở.
Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện có kế hoạch vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”; đồng thời, tham mưu cấp ủy tổ chức các hoạt động như: Phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo”, “chương trình đồng hành và hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo”, MTTQ và các cơ quan, đoàn thể cũng triển khai nhiều hình thức vận động thiết thực như phát động phong trào: “Mái ấm Công đoàn”, “Mái ấm biên cương”, “Mái ấm tình thương”, “Nhà tình thương”... Theo đồng chí Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” trên địa bàn huyện đạt kết quả tích cực. Từ năm 2019 đến nay, đã có 520 căn nhà “Đại đoàn kết” được trao đến các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Huyện phấn đấu hết năm 2024, sẽ không còn hộ khó khăn về nhà ở.
Thời gian qua, phong trào góp sức xây dựng nhà “Đại đoàn kết” trên địa bàn tỉnh Bình Phước được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Hầu hết các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, giao trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân phụ trách. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện, xã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc vận động nhân dân phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”. Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Phước, 5 năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai xây dựng và sửa chữa 5.071 căn nhà “Đại đoàn kết”, trị giá gần 313 tỷ đồng để trao tặng hộ nghèo, khó khăn về nhà ở.
Bên cạnh việc vận động giúp đỡ về nhà ở, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn có nhiều cách làm hiệu quả giúp người nghèo. Hằng năm, Hội Nông dân tỉnh triển khai Chương trình hỗ trợ cây, con giống cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo,hộ cận nghèo và gia đình chính sách, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở đã vận động giúp 13.055 lượt hộ nghèo vay vốn không tính lãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.
Năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát trực tiếp việc triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương, đơn vị. Qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị chính quyền, các cơ quan chức năng nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm thực hiện tốt hơn các nội dung, mục tiêu chương trình.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Xuân Trang đánh giá, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Bình Phước đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân. Những nỗ lực đó giúp khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn không ngừng được củng cố và tăng cường, góp phần tạo nên sức mạnh, nguồn lực to lớn để đảng bộ, chính quyền và nhân dân vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống
Không chỉ giúp những hộ có hoàn cảnh khó khăn, MTTQ các cấp tỉnh Bình Phước còn tích cực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân thông qua việc phát huy vai trò nòng cốt thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.
Khi huyện Phú Riềng bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới, MTTQ các cấp trong huyện chú trọng triển khai Cuộc vận động gắn với các nội dung xây dựng nông thôn mới. MTTQ các xã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo đồng thuận xã hội, tập hợp các nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí. Kết quả năm 2023, toàn huyện vận động nhân dân đóng góp được gần 34 tỷ đồng và gần 10.000 ngày công làm đường giao thông nông thôn. Bộ mặt nông thôn thay đổi, cảnh quan môi trường sạch đẹp, góp phần nâng cao chất lượng sống và lan tỏa nếp sống văn hóa.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cũng vận động hội viên đóng góp hơn 2,2 tỷ đồng, hiến 134.000 m2 đất và hàng chục nghìn ngày công để tu sửa, phát quang, dọn dẹp vệ sinh, làm mới 464 km đường giao thông, 56 km kênh mương... Hiện toàn tỉnh Bình Phước duy trì 1.311 mô hình xây dựng nông thôn mới trong các lĩnh vực.
Tại các khu dân cư, MTTQ các cấp triển khai nhiều mô hình khu dân cư an toàn, văn hóa mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho người dân. Khu phố 7, phường Long Phước, thị xã Phước Long có hơn 300 hộ dân sinh sống. Đây là khu phố trung tâm, có nhiều lao động từ các tỉnh, thành phố đến sinh sống, lập nghiệp cho nên việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và công tác bảo đảm an toàn chưa đạt chất lượng.
Năm 2020, cấp ủy chi bộ, ban điều hành khu phố và Ban Công tác Mặt trận Khu phố 7 quyết định thành lập Tổ nhân dân tự quản an ninh trật tự gồm 6 thành viên. Tổ thường xuyên phối hợp với lực lượng công an tổ chức tuần tra, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, Ban Công tác Mặt trận khu phố còn vận động nhân dân đóng góp kinh phí lắp đèn đường, camera an ninh tại các hộ gia đình để kịp thời phát hiện vi phạm. Bác Đinh Thị Hoài, Khu phố 7 cho biết, từ ngày có Tổ nhân dân tự quản, người dân nơi đây cảm thấy an toàn và yên tâm hơn.
Theo Ủy ban MTTQ thị xã Phước Long, việc triển khai mô hình tự quản tại các khu dân cư gắn với các chương trình an sinh xã hội, vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế đã mang lại không khí vui tươi, hạnh phúc trong nhân dân. Trên địa bàn duy trì 42 tổ nhân dân tự quản, nhiều tổ hoạt động có chất lượng, hiệu quả tốt, điển hình như Khu phố 4, phường Thác Mơ, khu phố Phước Vĩnh...
Thực tế cho thấy, MTTQ các cấp tỉnh Bình Phước đã phát huy tốt vai trò trong tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Vai trò kết nối, trung tâm đoàn kết của MTTQ các cấp thể hiện qua kết quả cụ thể như: Đã có hơn 21.000 tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo tham gia đóng góp, góp phần thực hiện an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo.
Điển hình như: Bác Nguyễn Hữu Đây hiến 6.979,4 m2 đất, tháo dỡ hai căn nhà, cắt hạ khoảng 500 cây điều, cao su đang khai thác để chính quyền thành phố Đồng Xoài mở rộng đường giao thông. Việc làm của bác đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen. Gia đình bác Nguyễn Công Lộc, Khu phố 1, phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành tự nguyện hiến 622 m2 đất, dỡ bỏ quán nước và dỡ bỏ cổng, tường rào kiên cố trước nhà; bác Vũ Xuân Họa, Trưởng ban Công tác Mặt trận Ấp 3, xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài hiến 2.001 m2 đất...
Những nguồn lực từ các phong trào chăm lo cuộc sống nhân dân do MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh Bình Phước phát động đang góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bình Phước đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 của cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 94 triệu đồng/người/năm.
Phát huy kết quả đạt được, MTTQ các cấp tỉnh Bình Phước xác định trong nhiệm kỳ 2024-2029, sẽ tập trung phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong củng cố và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động, đoàn kết nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương; đồng thời lan tỏa sâu rộng các chương trình, phong trào an sinh xã hội, các hoạt động nhân đạo, từ thiện... với phương châm “không để ai phải ở lại phía sau”, MTTQ các cấp làm tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bảo đảm hiệu quả để thiết thực chăm lo và không ngừng nâng cao mọi mặt đời sống của người dân ■