Rẽ lối từ nhạc cung đình
Quá trình hình thành của ca Huế được bắt nguồn từ nhạc cung đình và ca nhạc cổ truyền. Trải qua nhiều thế kỷ, ca Huế từng bước nâng cao đến độ hoàn chỉnh. Bước ngoặt quan trọng của ca Huế là khi tách ra thành một bộ phận âm nhạc thính phòng. Âm nhạc thính phòng phát triển đến mức đỉnh cao tiếp tục mở ra một hình thức mới, chính là ca nhạc tài tử và sau đó là ca bộ. Từng cử chỉ, động tác của ca bộ dần phổ biến trong cộng đồng, hướng đến tính đại chúng. Năm 1920, phường ca bộ Thu Nương lưu diễn ở tỉnh Quảng Ngãi đã mạnh dạn đưa lên sân khấu rạp hát vở ca Huế “Trần Bồ”. Việc linh động chuyển thể từ vở tuồng đồ cùng tên thành thể loại ca Huế tạo ra sự thú vị đặc biệt. Đó là vở ca kịch Huế đầu tiên, đánh dấu một chặng đường mới đầy táo bạo về sự hình thành của môn nghệ thuật ca kịch Huế.
Nghệ sĩ Phan Văn Nhuyến, diễn viên chính của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế cho rằng, điều dễ nhận thấy nhất trong ca kịch Huế là lời lẽ rất thâm sâu, mang nhiều tầng nghĩa. Có những lời hát dùng nguyên từ cổ, chỉ có các nghệ sĩ gắn bó với vùng đất Huế đủ lâu mới có thể thấm và hiểu trọn vẹn từng câu từ. Do đó, gọi ca kịch Huế là loại hình nghệ thuật đậm chất bác học là điều hợp lý. “Ngày xưa, các quan chức, những người sống trong phủ đệ thường thích nhâm nhi ly trà, thưởng thức ca kịch Huế. Một thói quen rất hay khi xem hát là việc giữ yên lặng, chỉ có tiếng nhạc và lời ca của nghệ sĩ trong không gian trọn vẹn nét Huế”, nghệ sĩ Phan Văn Nhuyến cho hay.
Ca kịch Huế tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Phía sau thành công của từng buổi biểu diễn, các nghệ sĩ trải qua quá trình nhập vai, tạo hình với nhiều dạng nhân vật khác nhau. Hiện nay, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế có 45 diễn viên nằm trong nhóm ca kịch Huế. Với những nghệ sĩ trẻ tuổi, việc thoát vai diễn luôn là một phần trong mục tiêu chung khi lên sân khấu. Có thể thấy rõ, với dạng nhân vật cổ đòi hỏi trí tuệ, công sức luyện tập của nghệ sĩ rất nhiều. Việc “ám ảnh” khi đã nhập vai là điều thường xảy ra đối với mỗi nghệ sĩ.
Kịch bản ca kịch Huế bao gồm nhiều vai cùng hướng đến các thông điệp nhất định. Khi bước ra sân khấu, vai chính hay vai phụ chỉ là cách phân biệt tên gọi. Bởi lẽ, nét tạo hình của vai chính chỉ có thể được bộc lộ rõ nét khi chung quanh có những vai phụ tiếp sức, góp phần lột tả chân thực mọi cảm xúc.
Giữ lửa nghề, giữ di sản
Nghệ sĩ Phan Văn Nhuyến chia sẻ: “Bản thân tôi thường thích các vai diễn có tính chất độc đáo. Có thể là một vai hài, gây điểm nhấn cho buổi biểu diễn hoặc một vai mang hơi hướng sa đọa. Tất nhiên, từng vai đều có điều thú vị nhất định. Việc đón nhận vai diễn theo đúng sở trường là điều mỗi diễn viên như chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Khán giả cảm nhận được giá trị sau buổi biểu diễn là vui rồi”. Được sống giữa một vùng di sản văn hóa, từng nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế luôn tự xây dựng lối diễn cho mình. Bằng cách bỏ qua cái tôi cá nhân, diễn viên dành trọn vẹn cảm xúc cho cái tôi của nhân vật.
Tại Liên hoan “Các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc 2023”, nghệ sĩ Phan Văn Nhuyến đoạt Huy chương vàng. Nghệ sĩ là đại diện của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế mang các tiết mục được dàn dựng từ vùng đất cố đô ra trình diễn với khán giả toàn quốc. Thành công của vai diễn nhân vật Tuần Ty là niềm hãnh diện không chỉ của riêng nghệ sĩ Phan Văn Nhuyến mà còn đối với cả nhà hát. Ca kịch Huế được những con người “rặt Huế” biểu diễn dễ dàng để lại ấn tượng trong lòng khán giả. “Sao Huế nhẹ nhàng đến vậy? Huế dễ thương quá!” là những lời khen của khán giả gửi đến các nghệ sĩ.
Trong đời sống hằng ngày cũng như chuyên môn nghệ thuật, các nghệ sĩ trẻ ở Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế luôn tạo ra môi trường sinh hoạt gần gũi, học hỏi lẫn nhau. Đặc thù của nghề ca kịch cần nhất là sự cọ xát. Những năm gần đây, số lượng buổi biểu diễn của ca kịch Huế tương đối ít. Do đó, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế thường kết nối, đồng tổ chức các chương trình ca múa nhạc tại nhiều sự kiện hay lễ hội trong và ngoài tỉnh. Đơn cử, chương trình nghệ thuật “Hà Nội-Huế-Sài Gòn” do nhà hát phối hợp cùng Câu lạc bộ Đình Làng Việt, Hội Áo dài Huế, Thương hiệu cổ phục Great Vietnam của nhà nghiên cứu, nhà thiết kế Vũ Đức, Câu lạc bộ Unity và Nhóm vọng cổ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đã thành công ngoài mong đợi.
Để chuẩn bị cho một lần lên sân khấu, các diễn viên sẽ có khoảng ba tháng để phân vai, tập luyện, tổng duyệt... Chính trong khoảng thời gian đó, kinh nghiệm xử lý nhân vật của lớp nghệ sĩ trẻ được mài giũa, nâng cấp bằng lời nhận xét, chỉnh sửa của các nghệ sĩ đi trước và của đạo diễn. Những tên tuổi như Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Ngọc Bình (nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Thừa Thiên Huế) đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo ra thế hệ các nghệ sĩ ca kịch Huế hiện nay ■