Vùng miền núi Nam Trung Bộ là nơi hội tụ của khoảng 30 dân tộc thiểu số. Việc sở hữu kho tàng di sản văn hóa mang tính dân tộc học rõ nét đã tạo nên mảng màu độc đáo trong bức tranh văn hóa tộc người đa dạng và phong phú.
Theo các nhà nghiên cứu, trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Nam Trung Bộ đã sáng tạo ra nhiều di sản văn hóa truyền thống giàu bản sắc, được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đó là những lễ hội dân gian, các loại hình ngữ văn dân gian, di sản văn hóa cồng chiêng, di sản nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình dân gian, các nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt, nhiều loại hình văn hóa dân gian của các tộc người thiểu số trong khu vực đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và nhân loại.
Tại Quảng Ngãi, trong số chín di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khu vực miền núi đã có năm di sản, gồm: Lễ hội Điện Trường Bà, nghệ thuật cồng chiêng, nghệ thuật trang trí cây nêu của dân tộc Co ở huyện Trà Bồng; nghề dệt thổ cẩm truyền thống và nghệ thuật trình diễn Chiêng Ba của người Hrê ở huyện Ba Tơ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Trọng, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhìn nhận, đối với người Co ở miền tây Quảng Ngãi, ngoài nghệ thuật cồng chiêng với nét đặc sắc so với những tộc người khác là nghệ thuật đấu chiêng vô cùng độc đáo, thể hiện sự khéo léo, sự gắn kết cộng đồng và mong muốn đoàn kết còn phải kể đến tri thức trong sáng tạo nghệ thuật của tộc người này mà kết tinh tập trung và điển hình nhất là cây nêu-đồ vật thờ cúng và trang trí trong ngày hội. “Nghệ nhân Co được coi là những người tài hoa, có đôi bàn tay khéo léo, đầu óc thẩm mỹ tinh tế, giàu sức sáng tạo, chỉ với chiếc rựa trong tay họ đã tạo nên cây nêu, một tuyệt tác nghệ thuật chạm khắc và trang trí vừa gần gũi, vừa sống động, mang đậm bản sắc tộc người. Đây là tài sản vô giá cần được các thế hệ tiếp nối có trách nhiệm gìn giữ và phát huy”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Trọng bày tỏ.
Một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận là nghề gốm. Điển hình, gốm Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á tồn tại và phát triển hơn bảy thế kỷ, hiện còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa. Theo Tiến sĩ Trần Thị Thái (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ), nét độc đáo nghề làm gốm của người Chăm là quá trình làm ra sản phẩm gốm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, tạo tác từ sự khéo léo, uyển chuyển, mềm mại của bàn tay và cơ thể người phụ nữ. Đến nay, những người Chăm làng Bàu Trúc vẫn còn lưu giữ và truyền nghề theo kiểu truyền thống “mẹ truyền con gái nối”.
Điều này góp phần gìn giữ được cấu trúc của một làng nghề thủ công, từ hình thái xã hội, quan hệ cộng đồng, tổ chức lao động sản xuất, trao đổi hàng hóa cho đến sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm. Chính sự độc đáo của nghề làm gốm của người Chăm, cuối tháng 11/2022, di sản này được UNESCO ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đây là niềm vinh dự đối với cộng đồng Chăm, mở ra nhiều cơ hội để làng nghề phát triển, mang lại nguồn sinh kế cho những hộ gia đình đang sản xuất, kinh doanh từ nghề làm gốm.
Trong lịch sử phát triển, người Chăm H’roi ở Phú Yên đã sáng tạo ra một nền văn hóa mang bản sắc riêng của tộc người mình. Đó là các sử thi, trống đôi, công ba, chinh năm, múa Tahara, các lễ hội... Đặc biệt, lễ cưới theo nghi thức truyền thống của người Chăm H’Roi còn bảo lưu được nhiều phong tục, tập quán mang giá trị truyền thống tốt đẹp. Đó là sự tự do, bình đẳng trong hôn nhân nam nữ, không có việc ép duyên hoặc thách cưới, việc chung tay góp sức của cộng đồng với hạnh phúc lứa đôi thể hiện được tình làng, nghĩa xóm luôn thắt chặt, keo sơn.
Đối với người Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam, nét độc đáo của tộc người này thể hiện ở kiến trúc nhà và không gian nhà, với nhiều kiểu nhà mang nét riêng biệt về một vùng văn hóa. Mỗi làng có một ngôi nhà chung, gọi là gươl, thể hiện sự sung túc và hùng mạnh của làng. Từ những bàn tay khéo léo của những người thợ giỏi, gươl nổi bật với cái vẻ bề thế nhưng rất tự nhiên hòa trộn với không gian núi rừng của đại ngàn, hội tụ tinh hoa kiến trúc, kinh nghiệm từ thực tế đã trải qua bao đời. Vì vậy, gươl là niềm tự hào của người Cơ Tu.
Khó có thể kể hết tiềm năng văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng Nam Trung Bộ. Đây chính là ưu thế cần được bảo tồn và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, để bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc miền núi khu vực Nam Trung Bộ trong tình hình mới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy nhằm giúp cho bản thân mỗi tộc người thấy được giá trị của mình, từ đó vừa bảo tồn bản sắc văn hóa của cha ông, vừa phát triển kinh tế.
“Cách giữ gìn di sản văn hóa bền vững, dễ gần, dễ thấm vào lòng người một cách nhanh chóng và hiệu quả là ngoài việc thực hành di sản của tộc người để các thế hệ trao truyền cho đời sau các giá trị văn hóa thì việc giáo dục di sản cũng hết sức quan trọng”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý chia sẻ.