Bảo tồn và lan tỏa giá trị di tích lịch sử văn hóa đền Mõ

Huyện Kiến Thụy (thành phố Hải Phòng), miền trầm tích Dương Kinh một thuở của Vương triều nhà Mạc (thế kỷ 16), là nơi ẩn chứa nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với quá trình tạo lập, khai khẩn và dựng xây cuộc sống của các thế hệ người dân từ hàng nghìn năm qua. Trong số đó, di tích đền Mõ cùng cây gạo hơn 700 năm tuổi gắn với nhiều giai thoại linh thiêng như một chứng tích lưu dấu lịch sử khai phá, phát triển của mảnh đất này đang là điểm đến thu hút người dân và du khách thập phương.
0:00 / 0:00
0:00
Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Mõ. (Ảnh TRỌNG LUÂN)
Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Mõ. (Ảnh TRỌNG LUÂN)

Di tích đền Mõ thuộc địa bàn xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) được xác định là công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, một di tích lịch sử văn hóa thờ Công chúa Quỳnh Trân, người có công tập hợp, hướng dẫn người dân nơi đây khai khẩn đất đai, cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo dựng cuộc sống làng quê Nghi Dương trù phú từ thế kỷ XIII. Di tích đã được các triều đại trao 12 bản sắc phong và năm 1991 cụm Di tích đền-chùa Mõ được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Theo “Ngọc phả chép về vị Thượng đẳng thần triều Trần là Ả Lương Thiên Thụy Quỳnh Trân”, năm 1279, Thượng hoàng Trần Thánh Tông muốn gả chồng cho con gái nhưng Công chúa Quỳnh Trân không chịu, chỉ muốn xuất gia thờ Phật. Công chúa xin Thượng hoàng cho đi tìm nơi lập chùa tu tập. Khi đến xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy ngày nay), thấy thế đất nơi đây giống như chim bay giữa núi non, sóng nước mênh mông, phong cảnh thanh u, Công chúa đã làm am nhỏ, ngày đêm hương đèn thờ Phật. Sau đó, chùa được mở rộng cùng với quá trình các cư dân quần tụ. Công chúa hướng dẫn cư dân khai khẩn ruộng vườn, cấp phát tiền cho người người cày cấy. Từ đấy dân Nghi Dương ngày càng no đủ, trở thành một làng giàu có…

Điền sản ngày càng rộng mở, phát đạt, Công chúa Quỳnh Trân đã quy ước dùng tiếng mõ như hiệu lệnh để “điều hành” hoạt động sản xuất và đời sống sinh hoạt của mọi người. Từ đó, mọi người truyền ngôn gọi chùa là “chùa Mõ”. Sau khi Công chúa viên tịch, dân sở tại lập đền thờ cạnh chùa, gọi là đền Mõ, thờ “Bà chúa Mõ”. Nơi đây có cây gạo cổ thụ hơn 700 năm, tương truyền do chính tay Công chúa Quỳnh Trân trồng. Ngày nay, cây gạo vẫn tỏa bóng mát với cành lá sum suê và rực đỏ trong mùa hoa tháng 3. Cây gạo đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam và được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận và tôn vinh là cây gạo nhiều năm tuổi nhất Việt Nam.

Khu Di tích lịch sử đền, chùa Mõ trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Nơi đây đã trở thành điểm ưa thích của người dân và du khách đến vãn cảnh, dâng hương tưởng nhớ Công chúa Quỳnh Trân - người phụ nữ đã có công chiêu dân, khai hoang, lập ấp, tạo nên cuộc sống trù phú của vùng đất ven sông Văn Úc này.

Lễ hội đền Mõ được tổ chức vào dịp đầu năm âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công lao của vị Thành hoàng làng đặc biệt này và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, cuộc sống phát đạt... Lễ hội thường diễn ra trong ba ngày với các nghi lễ: dâng hương, cáo thị, lễ rước, cùng nhiều hoạt động dân gian truyền thống như hội vật cầu đảo (cầu mưa) và các trò chơi đánh cờ, chọi gà, tổ tôm điếm…

Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy Đỗ Đức Hòa chia sẻ, trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cùng với kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn đã quan tâm, triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản nhằm vừa giáo dục truyền thống tốt đẹp của lịch sử, vừa quảng bá, tạo điểm nhấn và “cú huých” cho hoạt động du lịch của địa phương phát triển bền vững…

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết, cùng với mục tiêu bảo tồn, phát huy, lan tỏa những giá trị của di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa và đền Mõ, mới đây, ngành văn hóa Hải Phòng đã khai trương dàn dựng vở cải lương “Bà Chúa Mõ”. Vở diễn nhằm khắc ghi công lao to lớn của Công chúa Quỳnh Trân cũng như truyền thống lịch sử, văn hóa và sự phát triển của mảnh đất, con người nơi đây… Vở diễn của tác giả Trần Kiên Cường, được Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Chi chuyển thể cải lương, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn và Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng Vũ Gia Thùy chỉ đạo nghệ thuật. Trong tháng 12 này, tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Cải lương Việt Nam và một số đoàn nghệ thuật trong và ngoài thành phố sẽ đưa “Bà Chúa Mõ” lên sân khấu thành phố Cảng. Vở diễn kỳ vọng như cầu nối đưa những giá trị giá tốt đẹp trong kho tàng di sản lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể của thành phố Cảng tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ hơn tới bạn bè trong và ngoài thành phố qua hình tượng nghệ thuật sân khấu Bà Chúa Mõ ■