Tạo sức bật cho nền kinh tế-xã hội thành phố (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Khơi thông các nguồn lực, tạo sức bật cho sự phát triển

Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh chọn chủ đề “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội”. Đây sẽ là các nội dung, động lực quan trọng để thành phố tăng tốc phát triển, vượt chướng ngại vật để về đích trong những năm cuối của nhiệm kỳ 2020-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao.

Thành phố đặt mục tiêu năm 2024 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 7,5-8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; phấn đấu tổng thu du lịch đạt hơn 190 nghìn tỷ đồng;... Đây là các chỉ tiêu khó nhưng không phải không làm được.

Vượt khó để tăng tốc

Thành phố nhận định, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó đoán định; kinh tế toàn cầu theo dự báo chưa có nhiều lạc quan; kinh tế nước ta tiếp tục bị tác động tiêu cực; thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, thành phố sẽ tiếp tục bị tác động, thách thức rất lớn, nhất là các chỉ tiêu kinh tế, nhà ở, môi trường, xử lý rác thải, cải cách hành chính. Từ đó, thành phố xây dựng 18 chỉ tiêu chủ yếu và được phân chia thành năm nhóm: Chỉ tiêu về kinh tế; xã hội; đô thị; cải cách hành chính; quốc phòng, an ninh.

Trong số các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, thành phố cũng cho thấy quyết tâm tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố theo Nghị quyết số 98/2023/QH15; Thực hiện hiệu quả, hiệu lực các Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm. Tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; quyết tâm hoàn thành tốt kế hoạch đầu tư công;...

Năm 2024 cũng là năm tăng tốc về đích để kết thúc nhiệm kỳ 2021-2025, từ đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị, sở, ngành tập trung phân tích, đánh giá những kết quả, hạn chế để rút ra những bài học nhằm tiếp tục phát huy và khắc phục trong năm 2024.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Năm 2023, nền kinh tế thành phố dù gặp nhiều khó khăn nhưng những tháng cuối năm, thành phố đã bứt phá mạnh mẽ để “lội ngược dòng” với những kết quả tích cực. Điều này cho thấy, tiềm lực nội sinh và sức chống chịu mạnh mẽ của nền kinh tế thành phố. Qua nhiều “sóng gió” từ sau đại dịch đến nay, thành phố đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với sự bất ổn.

Với mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 ở mức 7,5-8%, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: Thành phố hoàn toàn có đủ cơ sở, điều kiện để thực hiện mục tiêu tăng trưởng này. Ngoài việc tăng tốc ngay từ đầu năm, thành phố tập trung tháo gỡ một số dự án bất động sản để khởi công sớm, tạo sức bật cho thị trường này. Thành phố phải quyết liệt thực hiện Nghị quyết 98 bằng việc dự thảo các nội dung phân cấp, phân quyền rõ ràng, đồng bộ và bắt tay hành động ngay để tạo đà cho giai đoạn tiếp theo.

Khơi thông hiệu quả các nguồn lực

Đóng góp giải pháp cho thành phố phát triển năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dự báo năm 2024, nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, thành phố cần tập trung giải phóng nguồn lực đang có, nhất là nguồn lực đất đai; các sở, ngành cần nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực này.

Đối với thị trường trong nước, thành phố cần đẩy mạnh khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực quản trị, khai phá thị trường mới; thực hiện hỗ trợ hiệu quả hơn nữa việc liên kết vùng và được tiếp cận vốn hỗ trợ lãi suất từ chương trình kích cầu. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng: Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, sự chung sức của người dân là một trong các yếu tố quan trọng để tạo ra sự đoàn kết, sức mạnh tổng thể để đồng hành cùng thành phố thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11 đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trong nhiệm kỳ 2021-2025 là 8%. Do tác động của dịch Covid-19 cho nên để đạt mục tiêu này, trong hai năm 2024 và 2025, thành phố phải đạt tốc độ tăng trưởng hơn 8%/năm. Việc thành phố đề ra mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% cho năm 2024 vừa là để phấn đấu vừa thể hiện quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu nghị quyết đề ra và mục tiêu Nghị quyết 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

Trong chủ đề năm 2024, chuyển đổi số tiếp tục là một trong các nội dung quan trọng, đây sẽ là động lực quan trọng để thành phố hoàn thành các mục tiêu khác, bởi bối cảnh số hóa hiện nay đã tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực trong xã hội. Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đầu năm nay, thành phố sẽ thành lập Trung tâm chuyển đổi số để hỗ trợ các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thực hiện đầu tư hạ tầng số để phát triển kinh tế số.

Với vị thế, tiềm năng đã chuẩn bị sẵn trong nhiều năm qua, các nguồn lực này sẽ góp phần cho tăng trưởng chung của thành phố hiệu quả hơn. Với việc Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua tiếp tục tạo thêm động lực tăng trưởng, năng lượng mới để thành phố tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại lâu nay; trong đó, có nhiều dự án, vấn đề kỳ vọng sẽ được tháo gỡ nhanh chóng. Nghị quyết 98 cũng sẽ mở ra cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, nhất là hợp tác công-tư ở các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục... tạo cơ hội để thành phố đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị.

Nhấn mạnh về một số nội dung hạn chế, bất cập và những vấn đề thành phố cần tập trung trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Chính quyền thành phố cần có những giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn nữa để thực hiện tốt hơn công tác triển khai lập quy hoạch thành phố, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hiệu quả hoạt động công vụ, nhất là công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành xuống tận cơ sở trong giải quyết các công việc của người dân và doanh nghiệp còn vướng mắc, còn khó khăn, còn phiền phức…

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị, Ủy ban nhân dân thành phố phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương và bộ, ngành; đồng thời, cần nghiêm túc triển khai các nghị quyết theo hướng thuyết phục một cách thực chất, không hình thức; triển khai xây dựng đồng bộ, chuyển đổi số một cách mạnh mẽ để xây dựng chính quyền số đạt yêu cầu và mong muốn của người dân, doanh nghiệp.

Quá trình triển khai, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý các cơ quan, sở, ngành cần hài hòa, đồng bộ các lợi ích kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng sống của người dân; tiếp tục quan tâm giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân. Thành phố cũng cần chú trọng vấn đề siết chặt kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong các cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống chính trị, trên tinh thần là mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải làm đúng và làm tốt việc được giao, tiếp tục sáng tạo, cống hiến nhiều giá trị hơn nữa để đồng hành cùng sự phát triển của thành phố.

-------------------------------------------------

(*) Xem Trang Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, số ra ngày 16/1/2024.