Bài 1: Ngược dòng vượt khó
Trước tình hình này, lãnh đạo thành phố và cả hệ thống chính trị quyết tâm, doanh nghiệp nỗ lực, kịp thời đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, cấp bách để tháo gỡ, vực dậy nền kinh tế. Nhìn lại một năm đã qua, dù nhiều chỉ tiêu, kế hoạch chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng những kết quả đạt được cho thấy những tích cực, tạo tiền đề để bứt tốc trong năm 2024.
Năm 2023, nền kinh tế của thành phố có giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn, đỉnh điểm là kết thúc quý I/2023, GRDP của thành phố chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ, nhiều chỉ số tăng trưởng âm. Tuy nhiên, những cú “lội ngược dòng” của các tháng sau đó đã giúp thành phố tăng tốc đáng kể để tiếp tục tiến về phía trước trong thời gian tiếp theo.
Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại, thành phố đã thực hiện hàng loạt giải pháp: Tăng cường đối thoại doanh nghiệp, thực hiện chính sách kích cầu tiêu dùng, du lịch, liên kết vùng, quyết liệt trong cải cách hành chính,… qua đó, đã ngăn chặn đà suy giảm, giúp các chỉ số kinh tế khởi sắc trong các tháng tiếp theo của năm 2023.
Khởi sắc từ những khó khăn
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan, năm 2023, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, Thành ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, sự chỉ đạo quyết liệt, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn, những chính sách kịp thời, hiệu quả của Ủy ban nhân dân thành phố, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp chung sức, đồng lòng đã góp phần giúp thành phố thực hiện tốt các mục tiêu trong phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2023 ước đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,81% so với năm 2022. Thành phố thực hiện có hiệu quả mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá; Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục phát huy tác dụng; việc triển khai kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chủ đề công tác năm 2023 cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch. Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia trên địa bàn thành phố có tác động lan tỏa được đưa vào khai thác.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn đó, bộ mặt đô thị, cơ sở hạ tầng của thành phố tiếp tục “thay da đổi thịt” với nhiều công trình được khởi công, tái khởi động và hoàn thành. Đơn cử như: cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ), Long Đại (thành phố Thủ Đức) được hoàn thành sau nhiều năm dang dở. Trên công trường các dự án giao thông lớn như vành đai 3, nút giao An Phú, Quốc lộ 50,hầm chui Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên,... không khí thi công vẫn hối hả, tấp nập.
Nhiều dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, đạt kế hoạch đề ra. Hoạt động chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, đứng thứ hai cả nước về Chỉ số chuyển đổi số.
Năm 2023, thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa vào vận hành hiệu quả nhiều dịch vụ số phục vụ người dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội: nâng tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100% cho các thủ tục đủ điều kiện. Lĩnh vực du lịch tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng.
Thành phố dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam. Năm 2023, ngành du lịch đã đón được gần năm triệu lượt khách quốc tế và gần 35 triệu lượt khách nội địa, với tổng doanh thu đạt hơn 160 nghìn tỷ đồng. Thành phố cũng được vinh danh là “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu châu Á”; tốp 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2023.
Ủy ban nhân dân thành phố đánh giá, để có được những kết quả nêu trên là nhờ sự quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chia sẻ của người dân, sự tâm huyết của chủ đầu tư, người lao động, nhất là các tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy luôn bám sát, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công.
Còn nhiều hạn chế, bất cập
Bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, nhìn lại năm 2023, thành phố vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập chưa được giải quyết, trong đó, nổi lên là việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược, nhất là về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhiều chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt kế hoạch.
Trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 17 nhóm chỉ tiêu) chủ yếu năm 2023, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, tám chỉ tiêu dự kiến không đạt. Một số chủ trương, nhiệm vụ tuy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả vẫn còn chậm như: công tác quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công (dự kiến giải ngân cả năm đạt 70%, mục tiêu đề ra là 95%); các chương trình giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, nhà ở xã hội…
Công tác xây dựng chính quyền đô thị thông minh, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính và chất lượng công vụ chưa đạt yêu cầu mong muốn; sự phân cấp, phân quyền, phối hợp giữa các sở, ngành, các cơ quan nhà nước vẫn chưa hiệu quả như mong muốn. Đó là, tại dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi, Ủy ban nhân dân thành phố cho ý kiến là phải thực hiện khởi công trước ngày 30/4/2025, nhưng trong các tờ trình Hội đồng nhân dân thành phố xin thu hồi đất năm 2024 lại không có tờ trình của dự án này. Điều này cho thấy sự thiếu hiệu quả, đồng bộ giữa chủ đầu tư, địa phương và cơ quan trình.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm của thành phố năm 2023, trong đó phải kể đến khả năng hấp thụ vốn của thị trường còn thấp, nợ xấu có xu hướng tăng, cần có giải pháp.
Bên cạnh đó, tiến độ giải quyết công việc theo yêu cầu còn chậm, công tác phối hợp chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, còn tâm lý chờ đợi sự chỉ đạo của cấp trên. Sự phối hợp giữa các sở, ngành trong tham mưu cho Ủy ban nhân dân vẫn còn tình trạng chậm chạp, đùn đẩy.
Tình trạng trông chờ chỉ đạo, dựa vào chỉ đạo của lãnh đạo để triển khai mà chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất tham mưu phương án vẫn tồn tại. Ngoài ra, giải ngân đầu tư công năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra, tiến độ triển khai lập quy hoạch chung chưa bảo đảm. Cải cách hành chính còn một số hạn chế cần chỉ rõ trách nhiệm, phân tích điểm nghẽn để đề ra giải pháp tập trung cụ thể hóa đề án công vụ thành phố. Trong bối cảnh nhân lực phải tinh giản nhưng khối lượng công việc của thành phố ngày càng nhiều, đó cũng là bài toán cần sớm có giải pháp căn cơ để tháo gỡ, bảo đảm hiệu quả công việc tiếp tục “chạy” tốt.
(Còn nữa)