Áp lực thuê nhà đối với sinh viên đầu năm học

Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng 8, tháng 9, thị trường nhà cho sinh viên thuê luôn sôi động, nhất là các khu nhà gần khu vực các trường đại học. Do lượng nhà cho thuê trọ có hạn, trong khi nhu cầu thuê nhà của sinh viên cao, chủ các khu nhà gần các trường đại học thường đẩy giá thuê nhà lên cao.
0:00 / 0:00
0:00
Chung cư mini trong khu dân cư đông đúc.
Chung cư mini trong khu dân cư đông đúc.

Tại Hà Nội, sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, việc tìm kiếm chỗ ở đối với sinh viên sao cho vừa thuận lợi học hành, vừa bảo đảm an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ tại Hà Nội càng khó khăn hơn.

Em Nguyễn My Anh, tân sinh viên Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải, quê ở Hưng Yên cho biết, để chuẩn bị chỗ ở trọ, từ giữa tháng 8, bố mẹ em đã nhờ người quen tìm chỗ thuê trọ gần trường. Căn hộ rộng khoảng 15 m2, có gác xép, nhà vệ sinh, khu bếp, ở tầng 5 tòa chung cư mini gần 20 phòng có giá thuê 3,4 triệu đồng/tháng.

Người thuê căn hộ phải đóng trước ba tháng tiền nhà, cộng một tháng tiền cọc. Ngoài tiền thuê phòng, hằng tháng em phải đóng thêm tiền wifi, máy giặt, tiền sử dụng thang máy, tổng cộng khoảng 200 nghìn đồng, cộng với tiền điện sinh hoạt giá 4.000 đồng/kW, nước sạch 30.000/m3…, tổng chi phí thuê nhà và sinh hoạt phí của My Anh là khoảng hơn bốn triệu đồng/tháng.

Để giảm chi phí thuê phòng, em đang tìm người ở ghép. My Anh cho biết thêm, sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini, chủ nhà đã chủ động trang bị cho mỗi căn hộ một bình chữa cháy. Mỗi tầng, gồm ba căn hộ cũng được trang bị một thang dây thoát hiểm. Ngoài ra, chủ nhà còn mở thêm lối thoát hiểm trên tầng tum và yêu cầu mọi người có xe điện để riêng một khu vực, không được sạc qua đêm… Tuy nhiên, đến nay My Anh chưa có người ở ghép vì lo ngại chung cư mini mất an toàn cháy, nổ.

Còn em Nguyễn Văn Long, sinh viên năm thứ ba Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hai năm qua giá thuê phòng trọ liên tục tăng. Tháng 4/2022, căn phòng rộng khoảng 20 m2, bốn người ở tại khu vực Đường Láng có giá khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, thì năm nay chủ nhà tăng giá lên 7 triệu đồng/tháng. Do không chịu được giá cao, bốn anh em đã trả phòng, chấp nhận đi xa để tìm chỗ ở mới tại khu vực huyện Thanh Trì, nhưng giá cho thuê phòng ở đây cũng từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Anh Hưng, một người môi giới bất động sản khu vực quận Thanh Xuân cho biết, giá thuê phòng trọ, căn hộ năm nay tăng cao hơn so với năm trước từ 1-1,5 triệu đồng. Kèm theo đó, giá dịch vụ, điện sinh hoạt, nước sạch cũng cao hơn, nhưng phòng trọ, căn hộ cho thuê luôn trong tình trạng khan hiếm. Lý giải về việc này, theo anh Hưng, thị trường bất động sản khoảng hai năm qua trầm lắng, nhưng giá đất tại Hà Nội vẫn đứng ở mức cao.

Các chi phí xây dựng, từ nguyên, vật liệu xây dựng đến nhân công, lãi vay ngân hàng đều tăng khiến cho suất đầu tư nhà cho thuê tăng cao. Trong khi đó, các loại hình nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội khan hiếm, khiến nhiều gia đình có nhu cầu cải thiện chỗ ở tìm đến các căn hộ chung cư mini để thuê, mua; vì thế, chỗ ở cho sinh viên ngày càng ít.

Để tránh rủi ro khi đi thuê chỗ ở, sinh viên cần phải tìm hiểu thông tin về nhà trọ qua người quen, bạn bè trên các trang web, hội nhóm trước khi đến xem thực tế. Cần phải nắm rõ khả năng chi trả để lựa chọn được chỗ ở phù hợp sau đó mới đến xem trực tiếp. Khi đến xem nhà phải tìm hiểu tình hình an ninh trật tự rồi mới thỏa thuận giá thuê, tiền đặt cọc và những khoản tiền liên quan như điện, nước sạch, wifi.

Khi ký hợp đồng thuê nhà cần đọc kỹ các điều khoản về giá thuê, thời hạn, phương thức thanh toán. Sinh viên cần tìm hiểu kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn cháy, nổ và tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy; kiên quyết không thuê phòng, căn hộ tại những tòa nhà, chung cư mini mất an toàn cháy, nổ, nằm sâu trong khu dân cư đông đúc.