Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm 1,1%

Trong năm 2023, dự kiến tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân duy trì mức giảm 1-1,5%/năm. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,1%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
0:00 / 0:00
0:00
Nuôi ong núi đá lấy mật ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, Lào Cai, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình xóa nghèo. (Ảnh: QUỐC HỒNG)
Nuôi ong núi đá lấy mật ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, Lào Cai, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình xóa nghèo. (Ảnh: QUỐC HỒNG)

Kết quả công tác giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, dự kiến năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân duy trì mức giảm 1-1,5%/năm. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,1%/năm đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã nỗ lực đôn đốc các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Dự kiến năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân duy trì mức giảm 1-1,5%/năm. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,1%/năm đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, ưu tiên tập trung, lồng ghép nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội đối với vùng lõi nghèo. Trọng tâm là lấy phát triển kinh tế vùng, địa phương để giảm nghèo bền vững thông qua triển khai các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra ở địa bàn nghèo; hình thành vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo động lực phát triển vùng nghèo.

Kinh phí thực hiện Chương trình đã phân bổ năm 2023 từ ngân sách Trung ương là 12.692 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này gồm có vốn đầu tư phát triển là 5.400 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 7.292 tỷ đồng. Còn kinh phí từ ngân sách địa phương là 582,998 tỷ đồng (266,847 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; 316,151 tỷ đồng vốn sự nghiệp).

Theo số liệu tổng hợp từ các cơ quan, địa phương, ước đến hết tháng 5/2023, tổng vốn đầu tư phát triển Chương trình đã giải ngân (bao gồm vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài) là 1.663,215 tỷ đồng (giải ngân vốn năm 2023 là 872,688 tỷ đồng đạt 16,2%). Con số này đạt khoảng 37% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn sự nghiệp là 1.167,962 tỷ đồng tính cho cả giai đoạn 2021-2023, trong đó, giải ngân vốn năm 2023 là 250,082 tỷ đồng.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng ký kết Chương trình phối hợp số 109/LĐTBXH-VPQGGN ngày 11/1/2023 với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Phối hợp các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý.

Dự kiến năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước bình quân duy trì mức giảm 1-1,5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,1%/năm đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ quan này cũng nêu lên một số khó khăn, tồn tại của công tác giảm nghèo.

Cụ thể, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ nỗ lực rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn và tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Chuẩn bị tốt nội dung phục vụ hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Chương trình được thiết kế với 7 dự án, cùng tổng nguồn lực tối thiểu 75.000 tỷ đồng.