Nâng cao hiệu quả phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội

Ước tính 3 tháng đầu năm, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 44 nghìn người. Thời gian tới, Thành phố sẽ tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó có đa dạng hóa hình thức của các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối với các địa phương lân cận, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu khai mạc phiên giao dịch việc làm lưu động quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Nhật Quang)
Các đại biểu khai mạc phiên giao dịch việc làm lưu động quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Nhật Quang)

Tăng cơ hội việc làm cho người lao động

Ngày 25/3, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động quận Hoàn Kiếm.

Nâng cao hiệu quả phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội ảnh 1

Tìm hiểu thông tin thị trường lao động tại phiên giao dịch việc làm lưu động quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Nhật Quang)

Chương trình có sự tham gia của 28 doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động là 2.170 chỉ tiêu. Riêng lĩnh vực du học, xuất khẩu lao động ở Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản.. có 100 chỉ tiêu, tăng cơ hội lựa chọn công việc cho người lao động tại địa phương.

Phiên giao dịch lưu động này tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn quận và khu vực lân cận được hỗ trợ về thông tin thị trường lao động, học nghề, xuất khẩu lao động. Đồng thời, tạo cơ hội trong tìm kiếm việc làm, lựa chọn nghề nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Hoàn Kiếm có 28 doanh nghiệp tham gia. Nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động là 2.170 chỉ tiêu.

Tại đây, các doanh nghiệp tuyển dụng tuyển dụng nhiều vị trí: quản lý, giám sát, bếp - phụ bếp, nhân viên hành chính, kế toán, nhân viên bán hàng. Có nhiều chỉ tiêu có chất lượng, cùng quyền lợi và mức thu nhập thỏa đáng cho người lao động.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, cho biết, với dân số trên địa bàn hơn 200 nghìn người, trong đó khoảng 75% người trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo đạt hơn 80%. Nhu cầu tìm việc làm của người lao động khá lớn.

Với nhiều giải pháp tích cực, mỗi năm có hơn 8.000 người lao động của quận được tư vấn, giới thiệu việc làm. Con số này tập trung vào các lĩnh vực: thương mại, dịch vụ, du lịch với các ngành nghề như: bán hàng, kinh doanh hàng ăn, giải khát, kế toán, tài chính, thời trang, thương mại, kỹ thuật... Học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn quận được tư vấn hướng nghiệp, học một số nghề phù hợp, giúp các em lựa chọn những ngành/nghề xã hội đang cần, hợp với sở trường bản thân.

Ông Hoàn cũng nhấn mạnh, cần đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện, ưu tiên các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, thân nhân gia đình chính sách, người khuyết tật, quân nhân xuất ngũ, người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn quận… trong công tác tạo việc làm.

Bà Vũ Hải Yến, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Aden Services Việt Nam chi nhánh Hà Nội, chia sẻ, với nhu cầu phát triển và mở rộng thị trường hiện nay, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí khác nhau. Đó là: Quản lý tòa nhà, quản lý dịch vụ mềm, quản lý bếp ăn công nghiệp, kỹ sư trưởng, giám sát dịch vụ, bếp trưởng/bếp phó và số lượng lớn nhân sự tại các vị trí kỹ thuật viên, hành chính, lễ tân và nhân sự lao động phổ thông.

Tại thành phố Hà Nội, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự làm việc tại các dự án thuộc các quận như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên và khu vực lân cận.

Bà Yến hy vọng sẽ tuyển được lao động bảo đảm về số lượng, chất lượng từ nguồn lao động trên địa bàn Hoàn Kiếm và các quận, huyện lân cận ở Hà Nội.

Còn theo đại diện Phòng đào tạo, Công ty Cổ phần nhân lực hàng không Tasseco, đến với chương trình, doanh nghiệp mong muốn được gặp gỡ và tư vấn với lứa tuổi học sinh. Từ đó, khơi gợi những đam mê và khả năng sẵn có của các em để có thể định hướng nghề nghiệp tốt hơn với độ tuổi này.

Ba tháng, tạo việc làm cho hơn 44 nghìn người

Nâng cao hiệu quả phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội ảnh 3

Chứng kiến lễ ký hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người lao động tại chương trình. (Ảnh: Nhật Quang)

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, cho biết, ba tháng đầu năm 2023, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 44.573 lao động, đạt 27,5% kế hoạch năm.

Để bảo đảm mục tiêu giải quyết việc làm cho 162 nghìn lao động, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4% của Hà Nội trong năm nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai Kế hoạch số 21/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Qua đó, tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động.

Ba tháng đầu năm 2023, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho 44.573 lao động. Mục tiêu của năm 2023 là giải quyết việc làm cho 162 nghìn lao động.

Cơ quan này cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm thành phố. Tích cực hỗ trợ, duy trì việc làm ổn định cho người lao động và thực hiện tốt phúc lợi xã hội. Xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động và việc làm tại các quận huyện, thị xã và trên phạm vi toàn thành phố để tăng cường hiệu quả kết nối cung-cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Nhận định về những khó khăn trong tạo việc làm cho người lao động ba tháng qua, ông Nguyễn Tây Nam nêu rõ, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố gặp khó khăn nhất định do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong đơn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, có việc tích cực triển khai phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các địa phương lân cận và khu vực phía bắc. Tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các phiên giao dịch việc làm như vậy và đa dạng hóa các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã trên địa bàn.

Năm 2022, Thành phố đã tổ chức 262 phiên giao dịch việc làm. Trong năm nay, sẽ cố gắng tổ chức hình thức này với số lượng nhiều hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

Trong quý 2 sắp tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung tổ chức thêm các phiên giao dịch việc làm tại các quận, huyện, thị xã. Cùng với đó, phối hợp doanh nghiệp, nỗ lực bảo đảm đầy đủ nguồn nhân lực cho họ khi ký được các đơn hàng xuất khẩu.

Quý 2 cũng là thời điểm tốt nghiệp của học sinh - sinh viên từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng tập trung giải quyết việc làm cho nhóm đối tượng này với các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tây Nam cho biết thêm, mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) triển khai thí điểm bộ công cụ quản lý điều hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh,thành phố.

Bộ công cụ áp dụng tại 15 hệ thống sàn giao dịch việc làm hiện có và các phiên giao dịch diễn ra hằng ngày.

Trong thời gian tới, đề xuất Cục Việc làm, Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp để nền tảng số này ngày càng gần gũi với người dùng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động cũng như dễ dàng quản lý dữ liệu thông tin thị trường lao động.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tính đến tháng 12/2022, thành phố đã có 1,98 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đạt tỷ lệ 40,4% lực lượng trong độ tuổi lao động. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện thu hút gần 73,2 nghìn người tham gia, chiếm 1,5% lao động trong độ tuổi. Cùng với đó, có 1,914 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 38,9% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trong năm 2023, một trong những chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô là nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc lên 43%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lên 2%. Song song với đó, nâng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp trong độ tuổi lao động lên 39%.