Ðưa nông nghiệp trở thành miền đất hứa

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh nhưng mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn ước đạt 2 đến 3% - trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của ngành nông nghiệp với những con số ấn tượng cả trong sản xuất và xuất khẩu.

Thu hoạch lúa vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Thanh Tùng
Thu hoạch lúa vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Thanh Tùng

Trụ đỡ kinh tế

"Qua thực tiễn cách mạng nước ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng, tác động chưa từng có bởi đại dịch Covid-19, chúng ta có thể khẳng định rằng giai cấp nông dân, nền kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, là chỗ dựa trung thành, vững chắc của Ðảng, của nhân dân mỗi khi đất nước gặp khó khăn, gian khổ", đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam vào tháng 10-2020. Ðồng thời cũng là ghi nhận những thành quả vượt bậc của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2020 đầy biến động cả về cơ hội và thách thức. Phát triển nông nghiệp đã trở thành "câu chuyện truyền cảm hứng" cho nhiều ngành kinh tế. Ðiển hình nhất là câu chuyện an ninh lương thực.

Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và sau đó lan ra toàn thế giới khiến hoạt động thương mại toàn cầu bị gián đoạn, thì ngay lập tức an ninh lương thực trở thành nỗi lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Song, nỗi lo ấy nhanh chóng được hóa giải khi vụ lúa đông - xuân năm 2019 - 2020 thắng lợi toàn diện với năng suất đạt 66,4 tạ/ha, sản lượng toàn vụ đạt 19,9 triệu tấn. Tiếp đến vụ mùa, vụ thu - đông đều được mùa, trúng giá, tạo ra một lượng lương thực lớn, không những bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn phục vụ tốt cho xuất khẩu.

Bên cạnh sản xuất, năm 2020 cũng chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với tổng kim ngạch ước đạt hơn 41 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực Ðông - Nam Á về xuất khẩu nông sản. Ðiều này không chỉ có giá trị đối với nền kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong bảo đảm các mục tiêu an sinh xã hội, bởi đằng sau con số tăng trưởng ấy là cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người lao động.

Vượt qua cả những giá trị kinh tế, có thể khẳng định đây là giá trị xã hội vô cùng to lớn và đáng trân trọng.

Chăm lo cho nông nghiệp

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đầu tư hơn nữa cho ngành nông nghiệp vì đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ðiều này đúng, nhưng không chỉ tăng cường đầu tư vì mục đích tăng trưởng mà cần xác định phải chăm lo nhiều hơn nữa cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn như một cách để tri ân, để trả món "nợ ân tình". Bởi lẽ, đây là nơi "nuôi cái ăn chung" cho cả nước nhưng cũng lại chính là khu vực dễ tổn thương nhất khi có những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh hay suy thoái kinh tế trong nước và thế giới. Con số di dân của đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) - vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của cả nước đã cho thấy nhiều điều. Theo báo cáo kinh tế thường niên ÐBSCL năm 2020, số lượng dân di cư khỏi vùng trong 10 năm (2009 - 2019) là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. Trong khi đó, tỷ lệ nhập cư lại ở mức thấp nhất, vì vậy, ÐBSCL là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số 0% trong giai đoạn 2009 - 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do phần đông lao động trẻ đã di cư lên Ðông Nam Bộ và các khu vực khác tìm kiếm việc làm do nền kinh tế ÐBSCL, trọng tâm là nông nghiệp hiện chưa đáp ứng được nhu cầu về sinh kế cho người lao động. Trong cuộc thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tháng 11-2020, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Hồ Thanh Bình trăn trở. ÐBSCL đã và đang thực hiện tốt kinh tế nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thành tích là thế, nhưng vùng hiện nay đối diện tụt hậu về kinh tế; thu nhập của người dân còn chưa ổn định, lệ thuộc rất nhiều vào thị trường nông sản với điệp khúc "được mùa mất giá". Chính vì vậy cần có chiến lược phát triển ÐBSCL là một vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030 - 2045.

Ý kiến của đại biểu Hồ Thanh Bình cũng cho thấy một đòi hỏi từ thực tế. Ðó là, chúng ta cần sớm có chiến lược phát triển tổng thể cho khu vực này với mục tiêu cụ thể là phát huy tốt nhất lợi thế của từng vùng, đưa nông nghiệp trở thành "vùng đất hứa", thu hút mạnh mẽ đầu tư trong nước và nước ngoài. Ðiều quan trọng nữa là cần thu hút trở lại một lượng lớn nhân lực đã di cư, cũng như "giữ chân" những lao động còn đang ở lại, để sớm xây dựng nền nông nghiệp nước nhà trở thành một trong những "trụ chính" của nền kinh tế, chứ không chỉ đóng mỗi vai trò trụ đỡ trong những thời điểm gian nguy.

Trong 10 năm gần đây (2009 - 2019), tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt trung bình 2,61%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 3,64%, đóng góp đáng kể trong tăng trưởng GDP cả nước. Riêng quý III - 2020, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đạt mức tăng trưởng GDP 2,93%, cao hơn cả khu vực công nghiệp và dịch vụ.