Xuất khẩu vượt khó, lấy lại đà tăng trưởng

Không còn tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tại các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thủ đô, người lao động đang khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ sản xuất để kịp các đơn hàng xuất khẩu. Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu từ 4 đến 5% so với năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10. (Ảnh KHẮC KIÊN)
Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10. (Ảnh KHẮC KIÊN)

Với hơn 80% sản lượng phục vụ xuất khẩu, Tổng công ty May 10 đã có đơn hàng đến hết tháng 6/2024 và đang tiếp tục đàm phán cho các đơn hàng của những tháng cuối năm. Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt kỳ vọng, năm 2024, thị trường xuất khẩu sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố tháng 1/2024 ước đạt 1.505 triệu USD, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 890 triệu USD, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 615 triệu USD.

Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước là máy móc, thiết bị phụ tùng (tăng 71,7%); hàng dệt may (tăng 36,4%), phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 37,2%)… Riêng mặt hàng nông sản đã đạt 120 triệu USD, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm 2023, trong đó gạo đạt 58 triệu USD, gấp 11,3 lần…

Năm 2024, ngành công thương Hà Nội đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu từ 4 đến 5% so với năm 2023.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đơn hàng xuất khẩu đang dần phục hồi kể từ quý IV/2023 và các tháng đầu năm 2024 là một trong những yếu tố để các doanh nghiệp xuất khẩu hy vọng thị trường 2024 sẽ khởi sắc hơn.

Tuy nhiên, năm nay, kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới biến động khó lường, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, nợ công toàn cầu tăng mạnh, lạm phát leo cao… khiến hoạt động xuất khẩu bị thu hẹp.

Ngành dệt may sẽ đối diện những khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”...

Trước những khó khăn, thách thức này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động “chuyển mình” để nắm bắt cơ hội, hóa giải khó khăn.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, năm nay, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời, tập trung sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh...

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) Lê Anh Tuấn, trước tình hình nhiều thị trường nước ngoài giảm đơn hàng, Tổng công ty đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu.

Cùng với đó, doanh nghiệp chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản...

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong thời gian tới, ngành công thương Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA.

Riêng với thị trường Trung Quốc, Sở sẽ cập nhật thường xuyên, kịp thời những chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới để phổ biến đến các doanh nghiệp trên địa bàn, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quan trọng này.

Để hoạt động xuất khẩu tăng trưởng bền vững, ngành công thương sẽ chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề được xuất khẩu trực tiếp, lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Mới đây, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn...

Đề án khuyến khích doanh nghiệp Hà Nội tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội.

Cụ thể, trong năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ về thông tin thị trường cho hơn 500 lượt doanh nghiệp; hỗ trợ về đào tạo, tư vấn cho hơn 100 lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ hơn 100 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; tổ chức cho hơn 100 lượt kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ hơn 80 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu; tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế, từ đó giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài.